– Huyện Thoại Sơn xác định thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là tạo sức bật phát triển nông nghiệp, nông dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Năm 2024, địa phương công nhận thêm 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, nâng tổng sản phẩm OCOP 3 Sao là 26 sản phẩm. Các sản phẩm OCOP 3 sao của huyện, gồm: Tranh lá thốt nốt, nấm Linh chi, đông trùng Hạ thảo Tri Thức, bưởi da xanh, gạo An Bình 1, khô cá lóc 7 chóp, cóc sấy dẻo, trà sâm Đinh lăng, rượu sâm Đinh lăng, chả cá sốt Mayonnaise, tàu hủ ky 7 Nhiều, rượu nho rừng Năm Mai, khô cá lóc Đại Phát… Có 2 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao được Trung ương công nhận, gồm: Gạo Tiên Nữ, gạo Thiên Vương, thuộc Công ty Lương thực Thoại Sơn.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thoại Sơn Lê Văn Đà, với mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP dựa trên việc khai thác các lợi thế của địa phương và gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và an sinh xã hội ở khu vực nông thôn. Đối với sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng, địa phương tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp, hoàn thiện về sản phẩm, tập trung vào đổi mới và cải thiện công nghệ, quy trình kỹ thuật. Mở rộng vùng nguyên liệu tại địa phương; quản lý chất lượng sản phẩm; hoàn thiện bao bì, nhãn mác theo quy định và phù hợp yêu cầu của thị trường.
Phát triển sản phẩm OCOP nhằm tạo sức bật cho nền nông nghiệp
Đối với sản phẩm tiềm năng, cần rà soát, lựa chọn sản phẩm gắn với lợi thế, thế mạnh của địa phương, ưu tiên các ý tưởng sản phẩm mới, đặc biệt là sản phẩm chế biến, chế biến sâu, sản phẩm truyền thống. Hỗ trợ hình thành và triển khai phương án sản xuất – kinh doanh (SXKD) để phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị; xây dựng liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu địa phương.
“Quá trình xây dựng sản phẩm OCOP, Thoại Sơn rút ra bài học kinh nghiệm: Coi Chương trình OCOP là một chương trình phát triển kinh tế quan trọng của cộng đồng. Thường xuyên tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức, phương pháp, cách thức triển khai chương trình đến đội ngũ cán bộ các cấp, đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất. Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng về OCOP… Từ đó, kích thích tiêu thụ, thúc đẩy SXKD, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương” – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thoại Sơn Lê Văn Đà chia sẻ.
Xác định xúc tiến thương mại là bước then chốt của chu trình, Thoại Sơn đã triển khai hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm; tổ chức thường niên trưng bày sản phẩm OCOP tại quảng trường Thoại Ngọc Hầu; tham gia các triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu, hình thành mạng lưới kết nối SXKD, dịch vụ kết hợp các hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu tạo lập, phát triển mở rộng thị trường cho các sản phẩm phát triển bền vững…
Được phân hạng đánh giá Chương trình OCOP năm 2023 với sản phẩm nước mắm nhỉ cá linh, anh Nguyễn Văn Thanh (44 tuổi, ngụ ấp Trung Phú 4, xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn) rất vui mừng. “Quá trình tham gia phân hạng đánh giá sản phẩm OCOP, tuy có không ít khó khăn nhưng tôi biết, đó là những tiêu chí cần thiết giúp sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao. Tôi được địa phương hỗ trợ rất nhiều, nhất là công đoạn quảng bá sản phẩm ra thị trường. Đặc biệt, quy trình chế biến, ủ cá linh được tôi nghiên cứu, nâng cao chất lượng từng ngày, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng” – anh Nguyễn Văn Thanh bày tỏ.
Tuy cơ sở không quá lớn, nhưng tranh lá thốt nốt của ông Võ Văn Tạng (thị trấn Núi Sập) và các học trò đã mang cảnh đẹp An Giang đi khắp nơi, kể cả nước ngoài. Bên cạnh tranh chân dung, nghệ nhân Võ Văn Tạng còn chăm chút vẽ trên lá thốt nốt những cảnh đẹp của An Giang, những điểm du lịch nổi tiếng, như: Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Di tích văn hóa Óc Eo, đồi Tức Dụp, núi Cấm, rừng tràm Trà Sư… Ông Võ Văn Tạng chia sẻ, đạt chuẩn OCOP 3 sao với tranh ghép lá thốt nốt là niềm vui và sự khẳng định vững chắc cho những cố gắng của ông cùng học trò. Được khách hàng khắp nơi trong và ngoài địa phương biết đến, ủng hộ nên mỗi bức tranh đều là tâm huyết người thợ muốn gửi đến khách hàng.
Ngày 19/12/2024, tại Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư phối hợp Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh và UBND huyện Thoại Sơn tổ chức “Phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP đến vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh An Giang”. Hoạt động nhằm quảng bá, giới thiệu và phát triển các sản phẩm OCOP, tiềm năng OCOP rộng rãi đến người tiêu dùng; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đạt chứng nhận OCOP mở rộng thị trường tiêu thụ |
PHƯƠNG LAN
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/an-giang-24-gio/thoi-su/day-manh-phat-trien-san-pham-ocop-thoai-son-a411924.html