Đó là ý kiến của một số chuyên gia, đại biểu nêu ra tại một số Tọa đàm nhân rộng mô hình tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) được tổ chức tại TP. Cần Thơ, Cà Mau… gần đây.
Tổ KNCĐ hoạt động sôi nổi
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT), sau 2 năm triển khai Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ chức KNCĐ”, mô hình tổ KNCĐ đã được thành lập và nhân rộng phát triển tại nhiều địa phương trong cả nước. Các tổ KNCĐ đã có nhiều hoạt động góp phần tích cực vào việc phát triển nông nghiệp, nông thôn ở các địa phương.
Trong đó, riêng các địa phương vùng ĐBSCL đã thành lập được 1.108 tổ KNCĐ với 11.831 thành viên tham gia. Thành viên tham gia tổ KNCĐ chủ yếu là lãnh đạo xã, cán bộ công chức xã, đại diện các hội, đoàn thể ở địa phương, đại diện hợp tác xã, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Nhiều tổ KNCĐ tại các địa phương đã phối hợp với các đơn vị chức năng để thực hiện công tác khuyến nông, triển khai các mô hình, dự án và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất cho doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), nông dân. Thúc đẩy chuyển đổi số, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu nông, lâm thủy sản đạt chuẩn. Hỗ trợ phát triển HTX, tư vấn chính sách, tư vấn thành lập và hướng dẫn hoạt động cho các HTX, tổ hợp tác.
Đặc biệt, các tổ KNCĐ đã tham gia tích cực vào các hoạt động phục vụ Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.
Trong đó, mặc dù tỉnh Hậu Giang không thuộc danh sách 13 tỉnh thí điểm của Đề án, nhưng cũng đã nỗ lực thực hiện theo định hướng chung. Hiện nay, Hậu Giang đã thành lập 51 Tổ KNCĐ, với 562 thành viên tham gia nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả hệ thống khuyến nông cơ sở, gắn với nhu cầu sản xuất và góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
“Thời gian qua, các tổ KNCĐ đã tham mưu tốt cho chính quyền địa phương trong việc tư vấn thành lập, phát triển các tổ hợp tác và HTX; tư vấn nhu cầu sử dụng các vật tư thiết bị phục vụ sản xuất; phối hợp cùng các tổ chức đoàn thể, các ngành chuyên môn mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tham dự các diễn đàn, toạ đàm, hội thảo…, giúp cho nhiều nông dân tiếp cận và học hỏi nhiều kinh nghiệm phục vụ sản xuất” – đại diện Trung tâm Khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang cho biết.
Mới đây, vào tháng 11/2024, các tổ KNCĐ tại Hậu Giang đã tham gia tốt hội thi “Tổ Khuyến nông cộng đồng giỏi”, với 8 đội tham gia.
Ông Đoàn Ngọc Thân – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết: Hội thi Tổ KNCĐ giỏi năm 2024 là cơ hội để đánh giá, ghi nhận và tôn vinh những nỗ lực của các tổ KNCĐ trong việc hỗ trợ nông dân, giúp cải thiện hiệu quả sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tạo ra không gian để các tổ KNCĐ giao lưu, học hỏi lẫn nhau, chia sẻ các mô hình canh tác hiệu quả, cách xử lý các vấn đề thực tiễn và những sáng kiến mới.
“Hội thi cũng giúp đánh giá chất lượng hoạt động của các tổ KNCĐ, kiểm tra năng lực triển khai, hiệu quả hỗ trợ sản xuất và kỹ năng truyền đạt của các tổ. Ngoài ra, Hội thi cũng giúp nhận diện các điểm mạnh và yếu của từng tổ, từ đó đưa ra các biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động, hỗ trợ và thúc đẩy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất” – ông Thân nói.
Trong khi đó, ông Phan Phi Hùng, Trưởng phòng Thông tin quảng bá và Xúc tiến thương mại, Trung tâm Khuyến nông An Giang cho biết: “Tỉnh An Giang đã thành lập được 129 tổ KNCĐ với 1.601 thành viên. Qua quá trình hoạt động, các tổ KNCĐ tại xã, phường, thị trấn đã góp phần nâng cao nhận thức và năng lực của nông dân trong ứng dụng khoa học kỹ thuật và liên kết sản xuất.
Nhiều mô hình nông nghiệp bền vững đã được triển khai, giúp người dân tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập. Các tổ KNCĐ cũng đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường nông thôn, xây dựng các phương pháp sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường”.
Chọn cán bộ có năng lực, xây dựng tổ KNCĐ thành lực lượng chủ lực ở cơ sở
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang, nhìn chung hoạt động của tổ KNCĐ trên địa bàn vẫn tồn tại hạn chế, hoạt động còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất. Tổ được thành lập với yêu cầu cấp thiết đạt tiêu chí xã nông thôn mới, các thành viên tổ chủ yếu là kiêm nhiệm, nên chưa thật sự tâm huyết với hoạt động của tổ. Ngoài ra, những khó khăn về kinh phí, trang thiết bị cũng góp phần ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của tổ KNCĐ.
Trình độ các thành viên trong tổ không đồng đều, đa số còn hạn chế về kiến thức, nghiệp vụ để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt là kiến thức về phát triển thị trường, quản trị HTX, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp…
Do đó, đại diện Khuyến nông Hậu Giang cho rằng, đối với việc lựa chọn nhân sự để thành lập tổ KNCĐ, cần tập trung lựa chọn những người có kiến thức và kinh nghiệm thực tế về nông nghiệp, đặc biệt là những người có uy tín trong cộng đồng. Điều này giúp tăng cường sự tin tưởng từ người dân và nâng cao hiệu quả trong việc truyền tải thông tin. Việc có nguồn lực, kinh phí để thực hiện các hoạt động, trả lương hợp lý và đào tạo thêm kỹ năng hoạt động cho bộ máy vận hành giữ vai trò quyết định đến hiệu quả hoạt động của Tổ.
Nhiều đại biểu cũng kiến nghị, các cấp thẩm quyền ở Trung ương và địa phương cần xem xét, có thêm các cơ chế, chính sách hỗ trợ và đãi ngộ để thúc đẩy thành lập, phát triển các tổ KNCĐ. Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho các tổ KNCĐ và bố trí, huy động tốt các nguồn lực để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ KNCĐ hoạt động hiệu quả. Tăng cường công tác kết nối, phối hợp giữa các tổ KNCĐ với các bên có liên quan để hoạt động theo phương châm tích hợp đa giá trị, cùng phát triển…
Ông Đỗ Đà Giang, Trưởng Phòng Tư vấn và Hợp tác Quốc tế (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) kiến nghị: “Bộ NNPTNT xem xét, phối hợp Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn về tổ chức hoạt động KNCĐ, xây dựng và phát triển các tổ KNCĐ trở thành lực lượng chủ lực của ngành nông nghiệp ở cơ sở. UBND các tỉnh, thành phố cần quan tâm ban hành cơ chế chính sách, bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho các tổ KNCĐ hoạt động…”.
Theo ông Lê Trí Nhân, cán bộ Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre, trong điều kiện hoạt động khuyến nông có nguồn kinh phí còn hạn chế thì cần làm tốt công tác xã hội hóa. Các tổ KNCĐ cần mời các doanh nghiệp tham gia và có sự chia sẻ, gắn kết, liên kết chặt với nhau ở các vùng nguyên liệu và địa bàn sản xuất. Hoạt động xã hội hóa mạnh mẽ trong liên kết với doanh nghiệp đầu vào và đầu ra là chìa khóa quan trọng giúp tổ hoạt động hiệu quả.