– Giữa những màn trình diễn múa lân đầy màu sắc và sôi động, ít ai biết rằng mỗi con lân được sử dụng là cả một hành trình kỳ công. Từ khung sườn chắc chắn, đôi mắt thần thái, đến bộ lông rực rỡ, tất cả được tạo nên từ bàn tay tài hoa của những nghệ nhân chế tác.
Chế tác con lân: Nghệ thuật của sự tỉ mỉ
Ông Tư Đá (tên thật là Trần Văn Thành, ngụ xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú) là một người thợ tận tụy, gắn bó 37 năm với nghề làm lân, mang lại sức sống cho mỗi sản phẩm. Những tiết mục xuất sắc từ các đội múa lân như Đoàn Nghệ thuật Lân – Sư – Rồng Quan Đế Miếu (TP. Châu Đốc), những con lân vừa là đạo cụ vừa trở thành biểu tượng văn hóa và niềm tự hào của địa phương.
Để hoàn thiện một con lân phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp, từ làm đầu, may đuôi đến tạo lông. Theo ông Tư Đá, phần quan trọng nhất là đầu lân, nơi thể hiện linh hồn của cả con lân. Đầu lân được làm từ tre, trúc và mây để đảm bảo sự cứng cáp nhưng vẫn nhẹ nhàng cho các vận động viên dễ dàng điều khiển. Trong quá trình tạo hình, khung sườn phải được uốn nắn chính xác, vì nó quyết định hình dáng tổng thể và sự hài hòa của con lân.
Bộ khung đầu lân chắc chắn, được làm từ tre, trúc và mây, tạo ra độ bền và độ nhẹ cho các tiết mục múa lân
Công đoạn vẽ và dán giấy dầu cũng đòi hỏi sự khéo léo. Ông Tư Đá sử dụng bột màu khoáng tự nhiên pha với dầu bóng để giúp màu sắc bền lâu, không phai khi gặp nước. Đặc biệt, đôi mắt lân được ông chăm chút kỹ lưỡng, vì đây là nơi thể hiện thần thái và sức sống của lân. “Mỗi con lân có một câu chuyện riêng và điều đó được thể hiện qua ánh mắt” – ông Tư Đá chia sẻ.
Không dừng lại ở đầu lân, phần đuôi lân cũng được đầu tư kỹ lưỡng. Đuôi lân thường được may bằng vải phi bóng hoặc kim sa, phối với lông cừu để tăng vẻ uyển chuyển. Đối với các đội múa chuyên nghiệp, ông Tư Đá thường nhận yêu cầu đặc biệt về màu sắc và họa tiết. Những con lân được chế tác tỉ mỉ để đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ và đảm bảo sự bền bỉ trong các màn biểu diễn phức tạp như “mai hoa thung”.
Từ “sân khấu” đến niềm tự hào văn hóa
Đoàn Nghệ thuật Lân – Sư – Rồng Quan Đế Miếu, một trong những đội múa lân uy tín tại TP. Châu Đốc, vừa tròn 60 năm tuổi đời là minh chứng cho sự kết hợp hoàn hảo giữa nghệ nhân chế tác và đội biểu diễn. Theo Huấn luyện viên Nguyễn Quốc Hùng, con lân vừa là đạo cụ vừa là linh hồn của mỗi màn trình diễn. Anh Hùng nhấn mạnh, những con lân thủ công được đoàn ưu tiên sử dụng vì chúng bền và thể hiện cái “hồn” qua đường nét sống động, đặc biệt ở đôi mắt và miệng. Những bài múa phức tạp như “Mai hoa thung” hay “leo cột”, đòi hỏi con lân phải có cấu trúc chắc chắn nhưng vẫn đủ nhẹ để các vận động viên dễ dàng điều khiển. Các màn biểu diễn này thu hút khán giả vì thể hiện sức mạnh, sự khéo léo và tinh thần đồng đội.
Lân thủ công với đôi mắt tinh tế – điểm nhấn làm nên thần thái của con lân
Đoàn đã từng có ý định thử nghiệm công nghệ hiện đại, như tích hợp đèn LED vào đầu lân để tăng hiệu ứng biểu diễn vào ban đêm. Tuy nhiên, do giá thành cao và lịch trình tập luyện bận rộn, đoàn chưa triển khai được kế hoạch này. Đèn LED hứa hẹn mang đến sự nổi bật, tạo thêm sức hút cho các màn trình diễn, nhưng truyền thống vẫn là giá trị cốt lõi mà đoàn gìn giữ trong mọi hoạt động. Theo đại diện của đoàn lân, sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong múa lân làm tăng sự độc đáo của mỗi tiết mục và giúp môn nghệ thuật này trở nên phù hợp thị hiếu ngày nay. Tuy nhiên, anh Hùng khẳng định: “Nếu không có truyền thống, chúng ta sẽ không thể phát triển hiện đại”. Đây chính là lý do đoàn tập trung vào các bài múa đặc trưng truyền thống, như: Mai hoa thung, leo cột và múa rồng.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa ông Tư Đá và các đội múa đã tạo ra những con lân chất lượng, giúp gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa độc đáo của An Giang. Từ bàn tay người thợ đến “ánh đèn sân khấu”, mỗi con lân là kết tinh của tình yêu nghề và niềm đam mê cháy bỏng. Đây là một phần văn hóa và là niềm tự hào của người dân địa phương, khẳng định giá trị bền vững của nghệ thuật múa lân trong đời sống hiện đại.
BÍCH GIANG
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/an-giang-24-gio/thoi-su/tu-ban-tay-nguoi-tho-den-anh-den-san-khau–a411190.html