– Tháng cuối cùng của năm chất chứa biết bao trăn trở, lo toan và gấp rút. Đó là chuỗi ngày “chạy” theo công việc và để công việc “chạy” theo mình. Nhưng chính sự hối hả bộn bề ấy mới tạo nên không khí rất đặc trưng của dịp cuối năm, đầy ắp kỳ vọng cho năm mới tươi sáng, thành công hơn.
Chuẩn bị gấp rút cho 2 kỳ họp HĐND cuối năm
Với mục tiêu tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng tốc triển khai các nhiệm vụ đột phá, trọng tâm trong năm 2024, UBND tỉnh và các cấp, ngành quyết liệt điều hành, đưa kinh tế – xã hội tỉnh khởi sắc, tạo nên khí thế mới, động lực mới trong tăng trưởng, phát triển. Đến nay, An Giang ước thực hiện đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra, trong đó có 3 chỉ tiêu vượt (tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thu ngân sách từ kinh tế địa bàn, tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh), 11 chỉ tiêu đạt và 1 chỉ tiêu chưa đạt (tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế).
Tháng 12 chạm ngõ, ước tăng trưởng GRDP năm 2024 của tỉnh có thể cao hơn cùng kỳ năm trước (7,34%), cả 3 khu vực đều tăng khá, nhưng vẫn còn khu vực dịch vụ chưa đạt kịch bản (mức tăng 8,3%, thấp hơn kịch bản đề ra là 9,35 – 10,9%). Khó khăn về nguồn cung vật liệu xây dựng (chủ yếu là cát), vướng mắc trong công tác bồi hoàn giải phóng mặt bằng cho công trình trọng điểm của tỉnh làm chậm tiến độ thực hiện, kéo theo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư chưa đạt theo yêu cầu. Thị trường bất động sản phục hồi chậm; sản phẩm chủ lực của tỉnh (may mặc, chế biến thủy sản, xay xát lúa gạo và trái cây) chưa đủ để bù đắp cho các lĩnh vực khác; chỉ số PCI, PAR-Index chậm được cải thiện (PCI xếp hạng 30/63; PAR-Index xếp hạng 63/63 tỉnh thành). Những “gạch đầu dòng” lớn này buộc lãnh đạo tỉnh, sở, ngành, địa phương phải cộng đồng trách nhiệm, “chạy nước rút” tháo gỡ phần nào trong tháng cuối cùng của năm.
Rất nhiều cuộc họp được diễn ra, nhằm đánh giá tiến độ, đề ra giải pháp thực hiện rốt ráo cuối năm, để năm 2024 khép lại trong gam màu tươi sáng. Tại cuộc họp giao ban tuần gần đây nhất, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng đôn đốc lãnh đạo sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện, chủ đầu tư giải ngân tối đa kế hoạch vốn được giao. Đối với chủ đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư công, cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện dự án; chủ động phối hợp sở, ngành, đơn vị liên quan giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc. Thủ trưởng địa phương, đơn vị – với vai trò người đứng đầu – chịu trách nhiệm khi không đảm bảo hoàn thành việc giải ngân vốn theo tiến độ đã đề ra.
Đối với Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục rà soát tiến độ, mức độ đạt chuẩn các xã; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp địa phương hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn theo lộ trình đã đề ra. Đối với nội dung tăng cường chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, trên cơ sở Quyết định 882/QĐ-TTg, ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm rà soát kết quả triển khai, đề xuất giải pháp quản lý chất thải, không khí, tài nguyên nước, tài nguyên đất đai, đa dạng sinh học… Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp sở, ngành liên quan rà soát bất cập trong triển khai thực hiện quy hoạch tại địa phương, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình thực tế, đảm bảo về cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác thu hút đầu tư…
Tháng 12, Thường trực HĐND tỉnh sẽ tổ chức 2 kỳ họp quan trọng: Kỳ họp thứ 25 (chuyên đề) và kỳ họp thường lệ cuối năm 2024. Cả 2 kỳ họp xem xét, cho ý kiến thông qua rất nhiều nghị quyết phát triển kinh tế – xã hội địa phương, làm nền tảng cho việc triển khai nhiệm vụ của năm 2025; phân bổ nội dung, mức hỗ trợ thực hiện các hoạt động phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh; chất vấn và trả lời chất vấn, ghi nhận ý kiến cử tri, Nhân dân suốt thời gian qua…
“Khoảng 30 tờ trình, dự thảo nghị quyết được đưa ra tại 2 kỳ họp. Chậm nhất 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND, cơ quan trình dự thảo nghị quyết phải gửi hồ sơ dự thảo đến Ban HĐND được phân công thẩm tra để thẩm tra. Ban HĐND tỉnh chủ trì thẩm tra, hoàn chỉnh báo cáo kết quả thẩm tra, xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh về những nội dung còn có ý kiến khác nhau; đề xuất Thường trực HĐND tỉnh nội dung đưa vào chương trình thảo luận; ý kiến chất vấn tại kỳ họp; ban hành báo cáo kết quả thẩm tra gửi Thường trực HĐND tỉnh chậm nhất 7 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp. Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh gửi tài liệu đến đại biểu HĐND tỉnh theo thời gian quy định (chậm nhất trước 5 ngày khai mạc kỳ họp)… Khối lượng công việc lớn, cộng với áp lực thời gian như thế, buộc từng cá nhân, đơn vị phải chủ động sắp xếp khoa học, hợp lý, tranh thủ kịp thời theo quy định, đảm bảo chất lượng nghị quyết HĐND tỉnh được ban hành” – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Đỗ Tấn Kiết nhấn mạnh.
Tháng 12 sẽ trôi qua rất nhanh, khi hàng loạt đầu công việc sơ, tổng kết, đánh giá, phân loại tổ chức, cá nhân… được thực hiện đồng loạt, khẩn trương; song hành với hoạt động chuẩn bị Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cận kề. Như hồi trống giục giã, tháng 12 chắc chắn để lại ấn tượng sâu sắc, khép lại năm 2024 đầy kỷ niệm.
GIA KHÁNH
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/an-giang-24-gio/thoi-su/-hoi-trong-giuc-cuoi-nam-a410323.html