Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, văn hóa giữ vị trí đặc biệt vô cùng quan trọng trong mọi mặt đời sống xã hội, là động lực trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế – xã hội đất nước. Trong thời kỳ mới, văn hóa lại càng cần được khẳng định vị trí hơn bao giờ hết, nhất là khi phát triển bền vững đã trở thành một nhu cầu tất yếu của mọi quốc gia.
Đại biểu cho rằng, cần phải nhận thức đúng đắn vai trò của văn hóa vào sự phát triển, để văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, mục tiêu, động lực của sự phát triển bền vững đất nước. Việc Quốc hội chuẩn bị xem xét, biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 đã một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa.
Việc đầu tư Chương trình ở thời điểm này đã đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn, góp phần tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển bền vững đất nước; góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng. Đồng thời, việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân nhấn mạnh, cần phải thừa nhận một thực tế rằng, hiện nay lĩnh vực văn học, nghệ thuật vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Bởi vậy, nhiệm vụ tập trung nguồn lực để thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật được đặt ra trong dự thảo Nghị quyết là rất cần thiết, bởi văn học, nghệ thuật có vai trò rất quan trọng trong công tác tư tưởng.
Đây là lĩnh vực mang lại sức mạnh tinh thần, giá trị nhân văn cho xã hội, có thể tác động đến tư tưởng, ý chí, hành động của người dân. Trên mặt trận tư tưởng, văn học, nghệ thuật có vai trò tôn vinh, lan tỏa các giá trị nhân văn, nhân đạo, đoàn kết, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc… Đồng thời, vạch trần những tư tưởng, quan điểm sai trái, những thói hư, tật xấu trong xã hội, đấu tranh gián tiếp với các luận điệu sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật, cần phải không ngừng nâng cao năng lực, trình độ lãnh đạo, quản lý, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về văn học, nghệ thuật; cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Ðảng về phát triển văn học, nghệ thuật bằng các cơ chế, chính sách cụ thể trong thời gian tới.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tham mưu, đề xuất các chính sách bồi dưỡng, thu hút nhân tài, chăm lo đãi ngộ đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, tạo điều kiện để họ phát huy vai trò, trách nhiệm, đem tài năng, sức sáng tạo, gắn bó, cống hiến lâu dài vào sự nghiệp xây dựng, phát triển địa phương, đất nước.
Cùng với đó, tập trung củng cố, sắp xếp, nâng cao năng lực, chất lượng của các thiết chế văn hóa, bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động văn học, nghệ thuật; đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ hoạt động phát triển văn hóa; tiếp tục đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật; quan tâm xây dựng, phát triển phong trào văn nghệ quần chúng; tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, thẩm mỹ của công chúng trong hưởng thụ văn học, nghệ thuật, góp phần xây dựng môi trường văn hóa, văn nghệ lành mạnh, tiến bộ.
Đặc biệt, cần lưu ý đến vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc lan tỏa những giá trị nghệ thuật, văn hóa truyền thống của Việt Nam, giúp cho cho thế hệ trẻ cảm nhận, tự hào và có tư duy bảo vệ, phát triển văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời nhận diện, loại bỏ những văn hóa lai căng, xấu độc – đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân nêu quan điểm.
Cho rằng phát triển văn hóa thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế, sức mạnh nội sinh của con người và xã hội Việt Nam, đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) thể hiện sự đồng tình với định hướng phát triển ngành công nghiệp văn hóa để đến năm 2030 phấn đấu đóng góp vào 7% GDP và 8% vào năm 2035.
Thể hiện sự băn khoăn về nguồn lực tài chính – một trong những vấn đề quyết định sự thành công của chương trình, đại biểu đề nghị rà soát, đánh giá khả năng huy động tài chính, khả năng bố trí tài chính, giải ngân vốn thực hiện chương trình này. Với các mục tiêu cụ thể khác mà chương trình đã đặt ra, đại biểu cũng đề nghị cần xem xét kỹ để bảo đảm tính khả thi.
Nhiều ý kiến cho rằng, Chương trình sẽ chỉ thực sự có hiệu quả khi quá trình thực hiện có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, địa phương; các mục tiêu đặt ra có tính khả thi và được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, gắn liền với ưu tiên cho các vấn đề cấp bách. Nếu được thông qua, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 sẽ thực sự tạo bứt phá để vị trí của văn hóa được đặt xứng tầm trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội.