– Với những chính sách đúng đắn và nỗ lực không ngừng, An Giang đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác dân tộc thời gian qua. Qua trao đổi với Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang Nguyễn Phú, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn về những nỗ lực của tỉnh trong mục tiêu xây dựng một cộng đồng dân tộc thiểu số đoàn kết, thịnh vượng.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang Nguyễn Phú
Phóng viên: Xin ông Nguyễn Phú cho biết việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc của tỉnh đã đạt được những kết quả như thế nào trong 5 năm qua?
Trả lời: Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang về công tác dân tộc, chính sách dân tộc đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng khởi sắc. Tỉnh đã tập trung bố trí nhiều nguồn lực để thực hiện chính sách dân tộc, cũng như lồng ghép, phối hợp sử dụng các nguồn lực triển khai khá đồng bộ, hiệu quả.
Về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm năm 2020, tỉnh đã thực hiện các dự án, tiểu dự án, Chương trình 135 với kinh phí trên 35 tỷ đồng. Đồng thời, cũng thực hiện chính sách cho người có uy tín trong đồng bào DTTS; chương trình cho vay tín dụng hộ DTTS nghèo; bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho lãnh đạo cấp sở, cấp phòng và cán bộ, công chức, viên chức để nâng cao hiệu quả trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc…
Tỉnh An Giang thực hiện tốt công tác giáo dục, đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số
Về công tác giáo dục ở vùng đồng bào DTTS, tỉnh hiện có có 3 trường dân tộc nội trú, có 21 trường thực hiện chương trình dạy tiếng dân tộc. Thông qua nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh đã đầu tư bổ sung, sửa chữa cơ sở vật chất cho 3 trường phổ thông dân tộc nội trú, với tổng kinh phí trên 4,97 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện đầy đủ các chế độ về học bổng, học phẩm cho học sinh, chế độ chính sách cho giáo viên giảng dạy các lớp dân tộc nội trú.
Đặc biệt, các cấp, ngành trong tỉnh cũng luôn quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho đồng bào DTTS, với việc đầu tư cho Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú An Giang. Cùng với đó, cũng thực hiện các mô hình đào tạo nghề gắn với vùng đồng bào DTTS, như: Dệt thổ cẩm Khmer ở xã Văn Giáo (TX. Tịnh Biên), mô hình may dân dụng của đồng bào Chăm.
Ban Dân tộc tỉnh An Giang phối hợp các ngành, địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Không chỉ chăm lo đời sống kinh tế, các cấp, ngành của tỉnh An Giang còn quan tâm đến đời sống văn hóa, tinh thần của các DTTS. Vào các dịp lễ trọng, Tết cổ truyền đồng bào DTTS, như: Tết Nguyên đán của người Hoa; Tết Chol Chnam Thmay, Lễ Dolta của người Khmer; tháng nhịn chay Ramadan, Tết Roya Haji của người Chăm… các cấp, ngành luôn tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, tặng quà các cơ sở thờ tự, các vị chức sắc, cán bộ tiêu biểu người DTTS với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng/năm. Đặc biệt, tỉnh còn hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo là dân tộc Khmer, dân tộc Chăm đón Tết truyền thống với tổng kinh phí trên 1,2 tỷ đồng/năm…
Phóng viên: Những mục tiêu trọng tâm nào sẽ được thực hiện để nâng cao đời sống đồng bào DTTS phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện nay, thưa ông?
Trả lời: Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp các địa phương tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với các vùng phát triển của tỉnh, giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển.
Phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cùng với đó, cũng phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS; nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin; xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các DTTTS đối với Đảng, Nhà nước.
Cụ thể, phấn đấu đến năm 2029, thu nhập bình quân của người DTTS bằng ½ bình quân chung của tỉnh; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2%. Có 100% xã, phường, thị trấn vùng đồng bào DTTS có đường ô tô đến trung tâm xã được nâng cấp trải nhựa, bê-tông hóa; 100% đường giao thông khóm, ấp đến trung tâm xã được cứng hóa đạt chuẩn theo quy định; 100% đồng bào DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác; trên 90% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình, nghe đài phát thanh.
Đồng thời, nâng tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt 35 – 40%, trong đó có ít nhất 50% là lao động nữ. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm từ 3 – 4%. Cơ bản không còn các xã, ấp đặc biệt khó khăn; trên 90% xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới. Xóa tình trạng nhà ở tạm, nhà dột nát trong vùng đồng bào DTTS.
Chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số tại An Giang
Bên cạnh, cũng sẽ tập trung thực hiện tốt các chỉ tiêu liên quan đến giáo dục, văn hóa, y tế nhằm chăm sóc tốt sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào các DTTS tỉnh An Giang.
Phóng viên: Để làm được các mục tiêu trên, theo ông, cần có những giải pháp nào, trách nhiệm thuộc về ai?
Trả lời: Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong giai đoạn 2024-2029, chúng tôi sẽ tập trung vào các giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành với phương châm sâu sát, quyết liệt, bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh An Giang. Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Ban Dân tộc tỉnh An Giang với các sở, ngành, địa phương.
Đồng thời, phải cụ thể hóa nghị quyết của Đảng phù hợp với đặc điểm địa bàn, đối tượng; rà soát, sắp xếp, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào DTTS để tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Thứ hai, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tập trung nguồn lực phát triển sản xuất, phát triển kinh tế và xóa đói, giảm nghèo bền vững. Bố trí đầy đủ, kịp thời nguồn lực tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết 88/2019/QH14; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030, theo Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội.
Đổi mới phương thức xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Thứ ba, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Đổi mới phương thức xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách đối với vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới theo hướng giảm dần cơ chế “cho không”, tăng chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện, đầu tư cơ sở hạ tầng cho cộng đồng để phát triển kinh tế hộ gia đình; gắn giảm nghèo với các chính sách về dân số, kế hoạch hóa gia đình, văn hóa, giáo dục, y tế; tạo cơ hội cho người dân tiếp cận các nguồn lực, phát huy tinh thần tự lực tự cường và quyền làm chủ của đồng bào các dân tộc.
Nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững quốc phòng – an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Thứ tư, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững quốc phòng – an ninh vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể ở từng khóm, ấp; rà soát, khắc phục tình trạng trắng tổ chức Đảng, đảng viên ở các khóm, ấp. Tăng cường phát triển đảng viên, trong đó có đảng viên là người DTTS ở những vùng trọng điểm, vùng đặc biệt khó khăn, vùng kinh tế mới…
Thứ năm, phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ số trong mọi lĩnh vực.
Bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp chuyên môn, năng lực
Thứ sáu, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng bằng nhiều hình thức, nâng cao năng lực công chức, viên chức và lao động hợp đồng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bố trí, sắp xếp công chức, viên chức và người lao động phù hợp với trình độ chuyên môn, năng lực công tác của mỗi người, tương ứng với vị trí việc làm.
Thứ bảy, thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành, nhằm nâng cao hiệu quả trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong thời gian tới.
Xin cám ơn ông!
THANH TIẾN
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/an-giang-24-gio/thoi-su/an-giang-xay-dung-cong-dong-dan-toc-thieu-so-doan-ket-thinh-vuong-a410126.html