Dự kiến có trên 400 đồng bào dân tộc Chăm từ 9 tỉnh-thành phố tham gia Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần IV, tạo nên vẻ đa dạng về văn hóa và các cơ hội quảng bá du lịch cho địa phương.
Chiều 9/9 tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Hà Nội) đã diễn ra họp báo Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024.
Ngày hội sẽ diễn ra từ 27-29/9 tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, có chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.” Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận chủ trì, phối hợp các tỉnh-thành phố Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Ngày hội là dịp tôn vinh, giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm tới người dân trong nước và quốc tế. Trong 3 ngày sẽ có dân tộc Chăm từ 9 tỉnh-thành phố sẽ góp mặt. Mỗi tỉnh 50 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên, đồng bào.
Các hoạt động văn hóa bao gồm trình diễn lễ hội, trình diễn trang phục truyền thống, nghi thức sinh hoạt văn hóa của người Chăm (đặc biệt khi người Chăm có 3 tôn giáo là Chăm Bàlamôn, Chăm Bàni và Chăm Islam), các triển lãm giới thiệu sản phẩm văn hóa-du lịch, các nghề thủ công truyền thống, nổi bật có nghề gốm Bàu Trúc.
Ông Nguyễn Văn Hòa – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận cho biết điểm nhấn nằm ở chương trình nghệ thuật khai mạc và bế mạc. Đêm khai mạc có chủ đề lung linh sắc màu văn hóa Chăm, theo đó mỗi tỉnh-thành phố sẽ mang đến một tiết mục đặc sắc nhất của vùng mình.
Cũng trong đêm khai mạc sẽ có công bố quyết định công nhận 2 bảo vật Quốc gia hai bảo vật Quốc gia của tỉnh Ninh Thuận, gồm tượng thờ vua Pô Klong Garai và bia ký Phước Thiện.
Tượng thờ vua Pô Klong Garai có niên đại thế kỷ 13-14, là công trình điêu khắc đá bằng chất liệu sa thạch gồm có bệ Yoni, trụ Linga có hình mặt thần. Công trình được người Chăm thờ phụng trong đền tháp Pô Klong Garai ở phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.
Bia ký Phước Thiện được phát hiện vào năm 1992 ở thôn Phước Thiện, xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước. Hai mặt bia khắc nhiều ký tự Chăm cổ xác định niên đại thế kỷ 8. Hiện bia Phước Thiện được bảo quản và trưng bày phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận.
Trước đó tỉnh có hai hiện vật khác đã được công nhận bảo vật Quốc gia là bia Hòa Lai, Phù điêu Vua Pô Rômê.
Tượng thờ vua Pô Klong Garai (trái) và bia ký Phước Thiện. (Ảnh: TTXVN)
Trong lần đăng cai chương trình năm nay, ban tổ chức tỉnh Ninh Thuận cũng sẽ mang đến cuộc thi ẩm thực giữa các tỉnh-thành phố để quảng bá những món ăn đặc sắc và đáng chú ý nhất.
Bên cạnh các hoạt động văn hóa còn có các hoạt động về thể dục, thể thao truyền thống, gồm 6 môn kéo co, đẩy gậy, bóng đá mini (nam), bóng chuyền (nam), đội nước (nữ), việt dã (nam, nữ). Các hoạt động kéo dài trong hai ngày 27-28/9.
Về du lịch sẽ có một hội thảo với chủ đề “Phát huy giá trị di sản văn hóa Chăm trong phát triển du lịch.” Sự kiện diễn ra chiều ngày 28/9. “Chúng tôi mong các hoạt động của ngày hội sẽ tạo điểm nhấn, kích cầu du lịch các địa phương tham gia và đăng cai tổ chức ngày hội” – bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đặc biệt khi có sự tham gia của không chỉ các cơ quan quản lý, mà còn doanh nghiệp từ 9 tỉnh-thành phố, giúp thúc đẩy những giải pháp phát triển thiết thực du lịch địa phương.
Bên cạnh các hoạt động văn hóa, du lịch còn có các hoạt động thể thao, diễn ra tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Ninh Thuận, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh Ninh Thuận, Quảng trường 16/4, các di tích lịch sử, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh…
Theo Vietnamplus
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/van-hoa/van-hoa-su-kien/ngay-hoi-van-hoa-dan-toc-cham-vinh-danh-2-bao-vat-quoc-gia-moi-o-ninh-thuan-a404840.html