Các loại bánh chế biến từ thốt nốt
Đặc sản truyền thống
Thốt nốt là loài thực vật thuộc họ Cau, cây thân thẳng, có thể vươn cao 30m và tuổi thọ trên 100 năm. Cây có 1 vòm lá rộng 3m theo chiều ngang. Thân cây to giống thân cây dừa, được bao quanh bởi các sẹo lá. Cụm hoa là những bông mo. Thốt nốt cái cho từ 50 – 60 trái/cây, thốt nốt đực không có trái. Thốt nốt có khả năng chịu khô hạn, ngập nước, ưa sáng nhưng không chịu rét. Thốt nốt non ban đầu sinh trưởng chậm, về sau mọc nhanh hơn.
Từ lâu, cây thốt nốt gắn chặt với đời sống bà con Bảy Núi. Nước thốt nốt tươi được dùng như một loại nước giải khát hấp dẫn. Trái thốt nốt kết thành từng chùm, to tròn cỡ quả dừa xiêm, vỏ màu tím sậm, bên trong có cơm dày màu trắng, mềm dẻo giống như cơm dừa nước, nhưng thơm ngon, có vị ngọt, bùi.
Các sản phẩm từ cây thốt nốt giúp bà con có thêm thu nhập, trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương, đặc biệt với nghề nấu đường thốt nốt truyền thống của người dân nơi đây. Theo những người làm nghề nấu đường thốt nốt, thời điểm để khai thác nước và nấu đường thốt nốt thường bắt đầu từ tháng 11 (âm lịch) kéo dài khoảng 6 tháng đến khoảng tháng 5 (âm lịch) năm sau. Vì thời gian này, nước thốt nốt rất ngọt, sản lượng đường thu được nhiều hơn. Nếu mùa khô kéo dài, có thể thu hoạch thêm 2 tháng nữa.
Thốt nốt từ lúc cây con đến khoảng 10 năm mới ra bông, tuy nhiên chỉ cho bông khoảng 3 – 4 tháng và cho nước với trữ lượng đường rất ít. Thốt nốt có tuổi thọ cao, cây càng già càng cho nhiều nước, sản lượng mỗi năm tăng thêm và có trữ lượng đường cao. Cây thốt nốt 30 – 40 năm tuổi hầu như ra bông, cho trái và nước quanh năm. Nước thốt nốt sau khi lấy xuống phải lọc qua miếng màng mỏng cho sạch bông, bụi và côn trùng. Sau đó, cho vào chảo lớn, nấu khoảng 6 – 7 tiếng là sánh thành đường.
Nâng cao giá trị
Hiện nay, cây thốt nốt không chỉ nổi tiếng với mật ngọt để nấu đường, mà còn có thể kết hợp làm ra nhiều món ngon, như: Chè, bánh bò thốt nốt, thốt nốt rim, mứt thốt nốt… để lại dư vị khó quên trong lòng mọi người dân và du khách khi đến An Giang. Nghệ nhân làm bánh dân gian Lê Thị Bích Hiền (TX. Tịnh Biên), chia sẻ: “Tôi thường chọn các sản phẩm từ cây thốt nốt, như: Trái, nước, mứt, đường… để làm nguyên liệu làm bánh dân gian. Tôi muốn quảng bá, giới thiệu giá trị cây thốt nốt cũng như quê hương Tịnh Biên đến du khách trong và ngoài nước”.
Từ ngày 3 – 11/8, tại Khu đô thị Golden City (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên), Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang tổ chức Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ – An Giang năm 2024 kết hợp hội chợ xúc tiến du lịch, thương mại – sản phẩm OCOP. Với quy mô gần 400 gian hàng giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thông tin du lịch, mua bán các sản phẩm OCOP, thương mại tiềm năng và ẩm thực đặc trưng của các địa phương trên toàn quốc cùng nhiều chương trình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật đặc sắc phục vụ bà con, Nhân dân trong tỉnh và khách du lịch đến với An Giang.
Hoạt động này nhằm góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa ẩm thực truyền thống từ cây thốt nốt; tạo điều kiện cho người dân thưởng thức, tham gia các hoạt động làm bánh, có cơ hội tìm hiểu về văn hóa ẩm thực Nam Bộ và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua đó, tạo sân chơi cho các nghệ nhân giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm cách chế biến các loại bánh giúp nâng cao kỹ năng tay nghề, đảm bảo chất lượng trong chế biến cũng như giá trị thẩm mỹ trong cách thức trình bày.
Đồng thời, tạo điều kiện cho các tổ chức, hiệp hội, làng nghề, nghệ nhân làm bánh dân gian có cơ hội quảng bá sản phẩm đến các du khách, doanh nghiệp trong và ngoài nước để mở rộng thị trường, từng bước xây dựng thương hiệu bánh dân gian Nam Bộ trở thành thương hiệu quốc gia.
Trong khuôn khổ Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển bảo tồn văn hóa nghệ thuật Đông Nam Á tổ chức Hội thi làm bánh dân gian, với sự tham gia của 10 đội thi là các nghệ nhân, đầu bếp chuyên nghiệp trên cả nước. Mỗi đội tham gia dự thi 10 món bánh dân gian có sử dụng nguyên liệu từ thốt nốt. 100 món bánh dân gian làm ra trong hội thi sẽ được đề nghị Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “100 món bánh dân gian chế biến từ thốt nốt”.
Trưởng phòng Dự án Văn hóa Nghệ thuật (Viện Nghiên cứu phát triển bảo tồn văn hóa nghệ thuật Đông Nam Á) Trần Nhật Trường cho biết: “Bánh dân gian của chúng ta từ trước đến nay chỉ dùng những nguyên liệu truyền thống. Và ở An Giang có cây thốt nốt là đặc sản mang hương vị đặc trưng, do đó tôi muốn nâng tầm giá trị cây thốt nốt bằng cách sử dụng các sản phẩm từ cây thốt nốt, như: mật hoa, trái, mức, đường… kết hợp cùng các nguyên liệu truyền thống để làm phong phú thêm về sắc, hương, vị của những chiếc bánh dân gian. Qua đó góp phần đưa bánh dân gian Nam Bộ và các sản phẩm từ cây thốt nốt của An Giang ngày càng vươn xa, hướng đến bàn tiệc thế giới trong tương lai”.
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/du-lich/am-thuc/nang-cao-gia-tri-cay-thot-not-bay-nui-a401618.html