Thực hiện phong trào nông dân sản xuất – kinh doanh (SXKD) giỏi, Hội Nông dân thị trấn Đa Phước (huyện An Phú) đã tích cực chỉ đạo cán bộ, hội viên đẩy mạnh thực hiện phong trào, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong lao động sản xuất. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống hội viên, nông dân.
Nhiều điển hình nông dân giỏi
Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đa Phước Nguyễn Quang Trí cho biết, những năm qua, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã được các cấp hội trên địa bàn phát động mạnh mẽ, tạo được khí thế mới trong việc thúc đẩy hội viên lao động sản xuất, nâng cao đời sống gia đình.
Nông dân ứng dụng tốt những tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng để tăng sản lượng và chất lượng nông sản. Bên cạnh đó, chăn nuôi thủy sản phát triển mạnh tập trung vào các mô hình nuôi lồng, bè và ao hầm, phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa. Từ đó, đã thúc đẩy các ngành nghề khác phát triển và mở rộng quy mô sản xuất, như: Công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Trên địa bàn thị trấn xuất hiện nhiều hộ nông dân SXKD giỏi có thu nhập cao, đời sống khá giả, giúp đỡ cho nhiều hộ khó khăn có điều kiện vươn lên. Hiện nay, thị trấn có 387 nông dân SXKD giỏi các cấp. Trong đó, cấp tỉnh có 76 nông dân, cấp huyện có 104 nông dân, còn lại cấp thị trấn; 27 nông dân đạt danh hiệu doanh nhân nông thôn.
Nhiều mô hình canh tác hiệu quả được nông dân thị trấn Đa Phước triển khai
Điển hình trong phong trào nông dân SXKD giỏi thị trấn Đa Phước có thể kể đến gia đình ông Nguyễn Hoài Niệm (khóm Hà Bao 1) với mô hình trồng dưa lê. Ông Niệm cho biết, trước đây, kinh tế gia đình chủ yếu trồng lúa theo phương pháp truyền thống nên gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với bản tính cần cù, chịu khó, cộng với tinh thần đam mê học hỏi, ông Niệm được Hội Nông dân thị trấn mời tham gia tập huấn áp dụng khoa học – kỹ thuật vào đồng ruộng. Thông qua các lớp tập huấn, ông Niệm chuyển đổi từ trồng lúa sang xây dựng nhà màng trồng dưa lê, dưa lưới với diện tích 500m2. Đồng thời, đầu tư hệ thống tưới hiện đại, áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Bước đầu giảm chi phí, công chăm sóc, hiệu quả kinh tế và năng suất đạt kết quả cao.
“Hiện nay, tôi xây dựng thêm 1 nhà màng với diện tích 1.000m2 trồng dưa lưới 4 vụ/năm. Từ loại cây trồng này, gia đình tôi thu về lợi nhuận trên 177 triệu đồng/năm. Mô hình đang phát triển tốt, đầu ra tương đối ổn định, từng bước mở rộng diện tích và thị trường tiêu thụ” – ông Niệm chia sẻ.
Gia đình ông Hồ Phú Vinh (khóm Phước Thọ) làm giàu với mô hình sản xuất khô bò và lạp xưởng heo. Các sản phẩm này đều được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), doanh thu hàng năm trên 1,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có ông Lê Thanh Lâm (khóm Phước Quản) thành công với mô hình chăn nuôi cá tra theo chuẩn VietGAP… Đây là những gương điển hình tiêu biểu, vượt khó vươn lên, trở thành những hộ SXKD giỏi và giải quyết việc làm nhiều lao động địa phương.
Nâng chất phong trào
Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đa Phước Nguyễn Quang Trí cho biết, từ phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã mang đến những kết quả tích cực. Phong trào đã thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tổ chức sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hình thành và phát triển mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp.
Mặt khác, phong trào còn góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho nông dân; đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn mới; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội nông thôn, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia. Đồng thời, góp phần xây dựng, củng cố tổ chức hội ngày càng vững mạnh, giai cấp nông dân ngày càng phát triển.
Ông Trí đánh giá, phong trào từng bước tác động tích cực đến từng hội viên nông dân, làm cho nông dân hăng hái SXKD trên từng mảnh đất, thửa ruộng của mình. Từ đó, thúc đẩy kinh tế – xã hội của địa phương không ngừng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được nâng cao.
Để phong trào ngày càng phát triển, Hội Nông dân thị trấn sẽ tăng cường đổi mới công tác lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân, thu hút rộng rãi nông dân hưởng ứng tham gia. Tổ chức tốt các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, đề xuất xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi.
ĐỨC TOÀN
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/nong-dan-thi-tran-da-phuoc-thi-dua-san-xuat-kinh-doanh-gioi-a399533.html