Từ thị trường…
Đầu tháng 7/2024, khi doanh nghiệp (DN), ngư dân “mỏi mắt” ngóng chờ tín hiệu của thị trường để bán hết số cá còn lại trong hầm, chúng tôi đến các vùng nuôi, gặp gỡ DN, ngư dân, tiểu thương bán cá tra ở các chợ truyền thống để tìm hiểu nguyên nhân, các yếu tố tác động gây bất lợi cho ngành hàng, nhất là trong bối cảnh “thế giới phẳng”, các quốc gia Banglades, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc… đều có thể nuôi được mặt hàng cá tra.
Ông Trần Lê Văn (ngư dân phường Vĩnh Nguơn, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) nhớ lại, những năm đầu nuôi cá ba sa xuất khẩu, bản thân ông vô cùng lo lắng, sợ người tiêu dùng thế giới không ăn được sản phẩm này. Và thực tiễn đã chứng minh, cá tra, ba sa là sản phẩm ngon của lưu vực sông Mekong.
Việt Nam là một trong những quốc gia được thiên nhiên ưu đãi và hưởng lợi rất lớn từ sản phẩm này. “Thông qua sản phẩm cá tra, ba sa, thế giới biết nhiều đến Việt Nam. Họ ngưỡng mộ trước những kỳ tích mà nông dân Việt Nam đã làm nên” – ông Văn chia sẻ.
Doanh nghiệp tập trung bán sản phẩm thị trường cần, chứ không bán sản phẩm mà mình có
Kỳ tích của nông dân Việt Nam mà ông Văn muốn nói đến là từ một quốc gia thiếu lương thực, thực phẩm, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lương thực, thực phẩm hàng đầu thế giới. Từ con cá ba sa nuôi bè với sản lượng mỗi năm không vượt quá 100 tấn (chỉ tiêu thụ trong nước), đã xuất khẩu đến 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Sản lượng mỗi năm từ 1,5 – 1,6 triệu tấn/năm. Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2018 đạt 2,3 tỷ USD.
Thực tế cho thấy, ngành hàng cá tra rơi vào khó khăn, thách thức không chỉ do thị trường mà còn có nhiều yếu tố quan trọng khác, như: Vốn, con giống, quy trình nuôi; quy trình chế biến – bảo quản; chính sách dành cho ngành hàng… Tuy nhiên những năm gần đây, thị trường vẫn là yếu tố quyết định để ngành hàng cá tra phát triển ổn định, bền vững.
“Nếu ngành hàng cá tra tránh được tình trạng cung – cầu bất nhất thì sẽ phát triển rất tốt, điều này muốn nói, phải tổ chức nuôi theo quy hoạch, có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên tham gia để tránh được tình trạng nuôi nhiều nhưng không bán được” – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới chia sẻ.
…Đến yếu tố khác
Năm 2024, toàn vùng ĐBSCL đặt mục tiêu thả nuôi khoảng 5.700ha cá tra với sản lượng 1,7 triệu tấn/năm, trong đó An Giang nuôi 1.258ha, sản lượng 350.000 tấn. Để có được sản lượng này, yếu tố con giống đóng vai trò quyết định, bởi trong bối cảnh biến đổi khí hậu, việc cho cá tra sinh sản nhân tạo, ương dưỡng là rất khó khăn.
“Tình trạng biến đổi khí hậu trở thành thách thức đối với những người tham gia ngành hàng cá tra. Mưa, nắng thất thường đã phá vỡ quy luật, tác động rất lớn đến quá trình làm giống. Hiện, tỷ lệ ương dưỡng giống đạt rất thấp. Ngày xưa, một mẻ cá có thể đậu từ 70% – 80%, nay chỉ còn 30 – 40%…” – ông Trần Đình Tam (ngư dân thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú) chia sẻ.
Nhờ áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, doanh nghiệp đã hạ thấp được hệ số chuyển hóa thức ăn FCR/1kg cá tăng trọng (FCR hiện dao động từ 1.45 – 1.55)
Thích ứng với biến đổi khí hậu, DN lẫn ngư dân đã tăng dần hàm lượng khoa học – công nghệ vào sản xuất; từ phụ thuộc vào thiên nhiên (là chủ yếu) chuyển sang nuôi cá trong nhà màng, nhà kính; cho cá sinh sản nhân tạo và họ đã thành công.
Đi đầu trong thực hiện Chương trình giống cá tra 3 cấp, trước hết phải kể đến Công ty Cổ phần cá tra Việt Úc, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty Cổ phần Nam Việt. Đến nay, Công ty Cổ phần cá tra Việt Úc đã chọn tạo được cá tra bố mẹ đến thế hệ G3 (mỗi thế hệ 3 năm) và chuẩn bị cho ra mẻ cá giống để phục vụ cộng đồng.
“Thị trường, con giống, khoa học – công nghệ đã từng bước được giải quyết. Tuy nhiên, vấn đề cần nhất của ngành cá tra hiện nay là vốn, thị trường thuốc thú y thủy sản; giá thức ăn thủy sản và sự liên kết bền chặt giữa các bên tham gia. Chúng ta có thị trường, con giống tốt nhưng giá thức ăn, thuốc thú y thủy sản tăng mãi, ngân hàng hỗ trợ vốn không kịp thời thì rất khó phát triển” – ông Tam chia sẻ thêm.
Để ngành hàng cá tra phát triển ổn định, bền vững, vấn đề liên kết “5 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, DN, ngân hàng và nhà nông) là hết sức quan trọng. Sự liên kết này phải trên tinh thần “thượng tôn pháp luật” mà trong đó, DN và ngư dân phải đi đầu.
Việc này nhằm tránh tình trạng “lật kèo” lẫn nhau trong hợp đồng mua cá, thuốc thú y thủy sản, thức ăn. Yếu tố quyết định để ngành hàng cá tra phát triển bền vững là thị trường, con giống, vốn, khoa học – công nghệ và tính liên kết bền vững giữa các bên tham gia. Nếu thực hiện được như vậy thì mới hy vọng ngành hàng cá tra thoát khỏi tình trạng khó khăn như hiện nay.
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/kinh-te/tieu-dung-thi-truong/de-nganh-hang-ca-tra-phat-trien-ben-vung-a399252.html