(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Ngày 10-6, UBND tỉnh An Giang triển khai kế hoạch phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ ngành hàng cá tra đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, An Giang phát triển ổn định diện tích nuôi cá tra tập trung đạt 1.500-1.600 ha đến năm 2025 tại các huyện Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, thành phố Long Xuyên; phát triển các mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện môi trường, thích ứng với Biến đổi khí hậu; diện tích nuôi có áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận theo yêu cầu của thị trường đạt 70%; 90% diện tích nuôi cá tra được cấp mã số vùng nuôi.
Ảnh – nguồn: Cổng TTĐT tỉnh An Giang
Với mục tiêu từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn thị trường quốc tế đối với ngành hàng cá tra đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh An Giang. Cấp mã số ao nuôi, truy xuất nguồn gốc đảm bảo tính trách nhiệm minh bạch và chất lượng sản phẩm. Hình thành tầng lớp nông dân chuyên nghiệp, biết phát huy hiệu quả nội lực của chính mình và cộng đồng cùng liên kết và phát triển, có khả năng áp dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Phát triển, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác cá tra đổi mới sáng tạo; hướng đến phát triển bền vững sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm trong và ngoài tỉnh. Tăng cường đào tạo chuyên nghiệp hóa cho người nuôi về các kỹ thuật tiên tiến theo tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu các thị trường. Đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra giữa người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã để khắc phục tình trạng: sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm nông sản khó khăn, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp.
Đồng thời, tăng cường công tác xúc tiến và mở rộng hơn nữa thị trường sản phẩm ngành hàng cá tra ở các thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN và nội địa. Tiếp tục triển khai thực hiện “Đề án Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại An Giang”. Phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ ngành hàng cá tra với Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty cổ phần Cá Tra Việt Úc,… Nâng cao tỷ lệ sản phẩm sản xuất theo chuỗi giá trị, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, đảm bảo quy mô hàng hóa, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, bền vững.
Mục tiêu đến năm 2025, phát triển diện tích nuôi cá tra tập trung đạt 1.500 ha. Tăng diện tích sản xuất liên kết giữa các hộ nuôi với doanh nghiệp; hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi. Phấn đấu đến năm 2025 thành lập ít nhất 01 hợp tác xã cá tra. Xây dựng 01 chuỗi liên kết cá tra giống theo hướng chất lượng cao và 01 chuỗi liên kết cá tra thương phẩm theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm. Tiếp tục triển khai thực hiện “Đề án Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL tại An Giang”. Phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ ngành hàng cá tra với Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty cổ phần Cá Tra Việt Úc, … Tỷ lệ giá trị sản phẩm cá tra được sản xuất dưới các hình thức chuỗi liên kết, hợp tác xã, tổ hợp tác từ 30% trở lên.Thủy sản nuôi trồng được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm trên 20%. Phát triển chuỗi liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã cá tra đảm bảo hoạt động có hiệu quả về tổ chức sản xuất, gắn kết toàn chuỗi sản xuất từ cung ứng vật tư nông nghiệp, sản xuất giống, nuôi thương phẩm, phát triển thị trường trong và ngoài nước.
Đến năm 2030, diện tích nuôi thương phẩm cá tra đạt 1.600 ha, sản lượng cá tra thương phẩm đạt 500.000 tấn, giá trị sản xuất cá tra thương phẩm đạt trên 10.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 05 – 8%, chiếm 80% giá trị xuất khẩu thủy sản.
Xúc tiến xây dựng được các chuỗi liên kết tiêu thụ cá tra xuất khẩu đáp ứng giải quyết khoảng 90% tỷ trọng cơ cấu diện tích nuôi cá tra chưa tham gia liên kết tương ứng với sản lượng tiêu thụ được liên kết là 500.000 tấn/năm. Phấn đấu đến năm 2030 thành lập thêm ít nhất 01 hợp tác xã cá tra.
Củng cố các chuỗi liên kết hiện có thành các chuỗi giá trị ngành hàng bền vững, thu hút, mời gọi ít nhất 02 doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu tham gia đầu tư xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ cá tra trên địa bàn tỉnh, mục tiêu gắn các hộ nuôi chưa tham gia vào chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất giống → nuôi thương phẩm → chế biến, tiêu thụ. Đảm bảo 90% diện tích nuôi cá tra được chứng nhận VietGap, GlobalGAP, ASC, BAP hoặc Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất, sơ chế, chế biến. Tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật trong canh tác, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, đảm bảo tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chuyển giao về các trình sản xuất theo chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, HACCP, …). Chú trọng áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt trong quảng bá, thông tin, giới thiệu sản phẩm, cải tiến phương thức bán hàng qua các sàn thương mại điện tử.
Cạnh đó, tuyên truyền, vận động nông dân tham gia làm thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác để thực hiện liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị từ khâu (từ cung ứng vật tư đầu vào đến sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật) nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn và có tính cạnh tranh cao.
Bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp theo phân cấp của Luật ngân sách Nhà nước, các chương trình, đề án khác thuộc ngành nông nghiệp để đầu tư trực thực hiện các chuỗi liên kết, đảm bảo quy định. Huy động nguồn xã hội hóa của các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tiếp cận, đầu tư cải tiến, áp dụng các công nghệ mới, hiệu quả từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến, quản lý chất lượng đến vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt là tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh 4.0…vào sản xuất. Áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất. Tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật trong canh tác, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch đảm bảo tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu.
An Giang cũng thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng nhất là giữa người nông dân và doanh nghiệp, hợp tác xã hình thành chuỗi giá trị có khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ. Thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào phát triển nông nghiệp, liên kết trong sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là xuất khẩu thông qua triển khai Nghị quyết số 112/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/ 4/ 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời thành lập các tổ hợp tác về liên kết phát triển sản xuất ngành hàng cá tra; hằng năm xây dựng kế hoạch sản xuất nhằm duy trì và phát triển mở rộng vùng nguyên liệu; là đầu mối ký kết hợp đồng liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp tiêu thụ. Tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất cá tra cho các hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết, hợp tác xã, tổ hợp tác; ưu tiên đào tạo, tập huấn cho nông dân ở các vùng sản xuất tập trung tham gia liên kết sản xuất.
An Giang sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật sản xuất cá tra an toàn cho nông dân trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất. Thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm: cấp mã số vùng nuôi cá tra, cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản…/.
Nguồn: Kế hoạch số 576/KH-UBND ngày 10/6/2024
Hải Nhu