(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Ngày 04-6, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp tỉnh năm 2023.
Cụ thể, phân hạng sản phẩm đạt “Sản phẩm OCOP 4 sao – cấp tỉnh” năm 2023 đối với 02 sản phẩm của 02 Chủ thể kinh tế, bao gồm: Bánh hạnh nhân – Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Tiến Anh (thị trấn Chợ Mới, huyện, Chợ Mới), tổng điểm trung bình đạt 78,1 điểm và sản phẩm Thốt nốt đóng lon – Công ty Cổ phần rau quả thực phẩm An Giang (phường Mỹ Long, Thành phố Long Xuyên), tổng điểm trung bình đạt 77,6 điểm.
Các sản phẩm được chứng nhận “Sản phẩm OCOP 4 sao – cấp tỉnh” được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận; được sử dụng tem OCOP trên bao bì, nhãn sản phẩm (theo Quyết định số 1162/QĐ-VPĐP-OCOP ngày 17/9/2020 của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP Việt Nam) và các tài liệu giới thiệu, quảng bá về sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” theo quy định.
Mức chi giải thưởng đối với các sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP 4 sao – cấp tỉnh” tương ứng với 10.000.000 đồng/giải/sản phẩm. Mỗi sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” chỉ được nhận giải thưởng 01 (một) lần ở cùng mức độ sao được công nhận, trường hợp được công nhận nâng hạng sao thì được hưởng thêm phần chênh lệch giữa hai mức độ sao.
Nguồn kinh phí giải thưởng được chi sử dụng từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phân bổ cho Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh hằng năm.
Theo Quyết định, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Chương trình OCOP) chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức công bố và trao Giấy chứng nhận “Sản phẩm OCOP 4 sao – cấp tỉnh” cho các Chủ thể kinh tế. Phối hợp với các đơn vị có liên quan và các địa phương đề xuất các giải pháp hỗ trợ các Sản phẩm OCOP để tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm; giới thiệu, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Hướng dẫn các Chủ thể kinh tế sử dụng và in tem OCOP trên bao bì, nhãn sản phẩm được công nhận theo quy định; tổ chức kiểm tra định kỳ đối với các sản phẩm OCOP đã đạt; thực hiện các thủ tục khác có liên quan.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các Chủ thể kinh tế có sản phẩm đạt chứng nhận Sản phẩm OCOP duy trì và nâng cao chất lượng của sản phẩm; hỗ trợ hoạt động quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP của địa phương.
Các Chủ thể kinh tế có sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP 4 sao – cấp tỉnh” có trách nhiệm tổ chức, quản lý chất lượng sản phẩm theo đúng hồ sơ sản phẩm đã thực hiện và tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm thuộc Chương trình OCOP theo quy định; tiếp tục nâng cao chất lượng và quảng bá hình ảnh sản phẩm OCOP tỉnh An Giang./.
Nguồn: Quyết định số 912/QĐ-UBND ngày 4/6/2024
Hải Nhu