Đến vùng Bảy Núi dịp Tết cổ truyền của người Khmer, du khách tham gia lễ hội không nên bỏ qua các món ăn đậm bản sắc Khmer chế biến từ bò.
Tết cổ truyền của người Khmer năm nay diễn ra từ 13 đến 16/4, du khách về An Giang có thể ghé các quán ăn để thưởng thức ẩm thực địa phương.
Bò bảy món
Bò lụi cuốn mỡ chài. Ảnh: Minh Đức
Bò bảy món, hiểu cơ bản là thịt bò dọn thành bảy món khác nhau trên mâm, là đặc sản nổi tiếng ở thành phố Châu Đốc. Hiện tại, khu vực Núi Sam có rất nhiều quán phục vụ các món bò này, trong đó nổi tiếng nhất là hai quán Trường Nhựt và Tư Thiêng.
Bò lụi và gù bò (phần thịt nổi lên ở phần lưng gần cổ bò, còn gọi là u hoa) là hai món trứ danh mà du khách nên thử, chế biến theo cách nướng. Bò lụi nướng sả được cuốn cùng mỡ chài, giúp du khách “đã miệng” với phần thịt thơm ngậy, tan trong miệng. Trong khi đó, những miếng gù bò nướng cháy cạnh sẽ mang lại cảm giác thích thú, giòn sần sật.
Có thể gọi combo bò 7 món hoặc buffet bò, trong khi các món lẻ đồng giá 100.000 đồng một đĩa.
Cơm bò
Thịt bò là nguyên liệu chính trong các món ăn của vùng Bảy Núi, đây là nơi có nhiều người theo đạo Hồi không ăn thịt lợn. Buổi sáng khi ghé thăm xứ lụa Tân Châu, du khách nên thử món cơm bò nổi tiếng ở tiệm Sáu Lụa, nằm ngay dưới chân cầu Châu Đốc.
Đây là tiệm duy nhất trong vùng phục vụ nuột bò, là phần thịt nằm trên phần xương lưng của bò, khá mềm và có vị ngọt béo đặc biệt. Thịt bò được nướng trên than hồng, khi ăn chấm cùng nước mắm chua ngọt có thêm trái bứa. Đồ chua ăn kèm có tỏi, hành, kiệu, gừng, ớt.
Một suất cơm bò ở Sáu Lụa còn có thêm một chén cháo gồm huyết và lòng bò, thơm nồng các gia vị nóng giống như một bài thuốc Đông y, giá 60.000 đồng một đĩa.
Lẩu kiến vàng
Lẩu kiến vàng kèm nội tạng bò. Ảnh: Minh Đức
Lẩu kiến vàng có nguồn gốc từ Campuchia, được người Tịnh Biên biến tấu cho phù hợp với khẩu vị địa phương. Kiến vàng là loài kiến to mình, có màu sắc rực rỡ, thường sinh sống trên cây trong những khu rừng và vùng núi. Khu vực Tịnh Biên trước đây có rất nhiều kiến vàng, nhưng sau này khan hiếm hơn.
Một nguyên liệu quan trọng của lẩu kiến vàng là mắm bò hóc, được làm từ cá linh hoặc cá lóc. Nước lẩu từ kiến vàng, mắm bò hóc, lá mắc mật, lá giang, sánh, có vị thơm nồng, béo, chua ngọt hài hòa, hợp ăn kèm nội tạng bò. Kiến vàng không có mùi hôi như kiến thường, thậm chí có vị hơi chua nhẹ. Giá một nồi lẩu cho 4 người ăn là 200.000 đồng kèm các loại rau, ăn cùng bún hoặc mì.
Quán ăn Thái Thành là địa điểm nổi tiếng cho những nồi lẩu kiến vàng, với tuổi đời hơn 20 năm. Quán có không gian sân vườn, nằm ở thị trấn Tịnh Biên, cách thành phố Châu Đốc 24 km. Ngoài lẩu kiến vàng, món bò xào kiến cũng rất đáng thử, với những miếng thịt bò mềm mọng, thơm mùi sả và ngò, cùng vị ngậy của đậu phộng và kiến vàng, giá 100.000 đồng một đĩa.
Nước thốt nốt
Thốt nốt là loài cây đặc trưng của vùng Tịnh Biên. Cảnh sắc ở vùng này đặc trưng là những hàng thốt nốt vươn cao giữa đồng ruộng mênh mông. Nước thốt nốt là thức quà giải nhiệt tuyệt vời trong những ngày nắng nóng, vị ngọt dịu, thơm, phảng phất vị men giống cơm rượu. Nước thốt nốt không đến từ trái thốt nốt, mà là từ nhụy hoa cây thốt nốt.
Ghé Tịnh Biên, du khách nên thử một ly nước thốt nốt có thêm phần cơm thốt nốt ngọt thanh, giòn dẻo. Mỗi trái thốt nốt lấy được khoảng ba phần cơm. Giá mỗi ly thốt nốt có cơm khoảng 20.000 đồng.
Đu đủ đâm
Đu đủ đâm là món ăn đậm chất Khmer, giống gỏi xoài Thái. Từ “đâm” chỉ cách sơ chế trộn, giã. Nguyên liệu chính có đu đủ mỏ vịt bào sợi, đậu que, rau muống, trứng vịt dữa (loại trứng có lòng đỏ và lòng trắng hòa quyện với nhau, tạo nên phần lòng trứng sệt và dẻo), các loại rau thơm và sốt trộn.
Món ăn có vị mềm, thanh, chua ngọt hài hòa, kết hợp cùng vị béo ngậy của đậu phộng cùng trứng vịt dữa. Đu đủ đâm thường được ăn kèm với thịt bò nướng có vị ngọt đậm.
Gần cổng trời Tri Tôn, quán đu đủ đâm Rina là điểm đến được nhiều người yêu thích. Giá mỗi đĩa đu đủ đâm là 25.000 đồng, bò nướng 5.000 đồng một xiên.
Gà đốt
Gà đốt, cơm trùm mền và salad ăn kèm. Ảnh: Minh Đức
Vượt qua những con đường đất gập ghềnh đến hồ nhân tạo Ô Thum, du khách sẽ bước vào “vương quốc” của món gà đốt nổi danh vùng Tri Tôn. Đây cũng là một món ăn được du nhập từ Campuchia.
Ngồi trong những chiếc chòi dựng ngay trên mặt hồ sơn thủy hữu tình, hướng nhìn núi Cô Tô (một trong bảy ngọn núi thuộc Thất Sơn), du khách sẽ được phục vụ những suất gà đốt có lớp da vàng ươm đẹp mắt, khi ăn có cảm giác giòn ngậy, đậm đà gia vị, dùng cùng cơm rang trùm mền (có lớp trứng chiên phủ bên trên) và gỏi rau chua ngọt. Giá một suất gà đốt là 270.000 đồng.
Nếu muốn thưởng thức vị thịt gà nguyên bản, du khách có thể gọi món gà hấp lá chúc. Thịt gà được giữ nguyên vị, dai mềm mọng nước, thơm đượm mùi lá chúc, giá 300.000 đồng một con. Quán Kiều Tiên ở hồ Ô Thum là địa chỉ được nhiều dân sành ăn gợi ý cho món đặc sản này.
Minh Đức