(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Nằm ở vùng biên giới phía Bắc tỉnh An Giang, nơi đầu nguồn của dòng Mê Kông chảy vào Việt Nam, thị xã Tân Châu có đường biên giới tiếp giáp nước bạn Campuchia dài khoảng 6,2 km, có cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương – cửa khẩu đường sông duy nhất trên biên giới Việt Nam và Campuchia, là cửa ngõ giao thương kinh tế quan trọng của các tỉnh vùng đất chín rồng đến các quốc gia thượng nguồn Mê Kông.
Đây là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng; có tiềm năng về du lịch sinh thái và du lịch văn hóa lịch sử; vùng đất này, cũng từng là một thương cảng sầm uất, có nghề ươm tơ, dệt lụa với sản phẩm lãnh Mỹ A nổi tiếng không chỉ trong tỉnh, trong vùng mà còn vươn ra thế giới. Để từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế trên, nhất là tiềm năng du lịch,… đó cũng là mục tiêu mà Nghị quyết Đảng bộ thị xã đã xây dựng và quyết tâm thực hiện để trở thành ngành kinh tế trọng tâm trong thời gian tới.
Các hoạt động thể thao mừng Đảng – mừng Xuân (Ảnh: Nguyễn Văn Huy)
Khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch
Ngay sau khi tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ thị xã Tân Châu lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025. Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã đã nhanh chóng tập trung xây dựng các Nghị quyết chuyên đề, nhằm sớm đưa Tân Châu phát triển nhanh trong thời gian tới; trong đó, có Nghị quyết số 03-NQ/TU, về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể thị xã và cấp ủy, UBND các xã, phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, thu hút đầu tư phát triển du lịch với nhiều hình thức như: xây dựng và in ấn tờ rơi, cẩm nang du lịch; xây dựng trang fanpage trên nền tảng mạng xã hội; xây dựng trang Website du lịch Tân Châu và trung tâm quảng bá du lịch online; xây dựng trang web quảng bá sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP trên địa bàn thị xã,…
Song song đó, thị xã đã xây dựng, phát triển các loại hình du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế địa phương như: du lịch sông nước, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề. Đối với du lịch sông nước, đã hình thành tuyến du lịch dành cho du khách quốc tế trên các du thuyền từ Việt Nam sang Campuchia và ngược lại; tổ chức khảo sát tìm kiếm tiềm năng du lịch mới như: tắm cồn, tham quan và trải nghiệm trên làng bè, bơi thuyền Kayak,…; đầu tư cải tạo cảnh quan phát triển du lịch cồn bãi như: cồn Long Châu, bãi tắm xã Vĩnh Hòa và cải tạo bến lên đón khách từ các du thuyền. Đối với du lịch cộng đồng, tập trung xây dựng các hoạt động phục vụ du lịch cộng đồng của người Chăm như: xây dựng các món ẩm thực đặt thù, vừa thưởng thức, vừa trải nghiệm; thành lập tổ hướng dẫn viên tại điểm du lịch ấp Phủm Soài, xã Châu Phong; đội xe lôi thùng, đội văn nghệ,… Bên cạnh đó, tổ chức hoạt động “một ngày làm người Chăm”, “Ươm hạt trồng rẫy” và “Trải nghiệm tắm cồn, thăm câu bắt cá”, để đáp như cầu trải nghiệm của du khách,…
Đối với du lịch làng nghề, đây là loại hình du lịch văn hóa tổng hợp đưa du khách tới tham quan, cảm nhận các giá trị văn hóa và mua sắm những sản phẩm đặc trưng dệt lụa, thổ cẩm, chiếu Uzu. Hiện nay, Thị xã vẫn giữ quy trình sản xuất độc đáo cho ra sản phẩm lụa từ chất liệu thiên nhiên đáp ứng xu thế hưởng thụ của du khách. Cơ sở dệt lụa là nơi được tất cả du khách quốc tế khi đặt chân đến Tân Châu đều tham quan, trải nghiệm khung dệt và mua sản phẩm lụa Tân Châu.
Cùng với đó, Tân Châu cũng đang đẩy mạnh khai thác phát triển các dịch vụ du lịch như: dịch vụ vận chuyển; dịch vụ ăn uống, lưu trú và dịch vụ lữ hành, hướng dẫn du lịch. Hiện nay, Thị xã đã hình thành 2 nghiệp đoàn xe lôi, với 68 chiếc phục vụ du khách; 08 thuyền vận chuyển du khách từ các du thuyền vào bờ và 02 xe điện phục vụ du khách tham quan làng Chăm. Tân Châu hiện có 02 nhà hàng, 12 cơ sở ăn uống, 02 khách sạn, 3 nhà nghỉ và các món đặc trưng của địa phương cũng được khai thác đưa vào thực đơn đảm bảo phục vụ cho khách du lịch khi đến địa phương. Hiện tại, các ngành, địa phương cũng đã tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, công ty du lịch lữ hành trong và ngoài tỉnh, đẩy mạnh kết nối các tour, tuyến du lịch, đưa du khách trong và ngoài nước đến về đây tham quan Thị xã Tân Châu. Thông qua liên kết, các hãng lữ hành đã khai thác tốt tour, tuyến du lịch quốc tế thông qua cửa khẩu quốc tế đường bộ lẫn đường thủy ở Vĩnh Xương, từ đó tạo tiền đề quan trọng đưa du lịch Thị xã phát triển.
Khách viếng Phù Sơn Tự (Chùa Núi Nổi)
Nét nổi bật trong phát triển du lịch ở thị xã Tân Châu hiện nay là có nhiều điểm đến với nhiều sản phẩm, loại hình rất hấp dẫn. Các loại hình du lịch đặc trưng, như: du lịch sinh thái, sông nước, cồn bãi; du lịch ẩm thực; tham quan di tích lịch sử, danh thắng gắn với tâm linh tại 4 khu vực trọng điểm, như: Làng Chăm Châu Phong; di tích lịch sử và thắng cảnh Phù Sơn Tự; khu làng bè gắn với cồn bãi; làng nghề tơ lụa Tân Châu. Để có được điều đó, thời gian qua, thị xã đã tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc mang tính chất đặc thù (có chất lượng cao, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước). Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và Rằm Tháng Giêng vừa qua có rất đông du khách trong và ngoài địa phương đến tham quan, hành hương, chiêm bái các điểm du lịch, các cơ sở thờ tự trên địa bàn thị xã như: Phù Sơn Tự (Chùa Núi Nổi), Chùa Giồng Thành, Chùa Bửu Sơn Kỳ Hương, mộ Sư Ông, làng Chăm (xã Châu Phong)… có thể nói, lượng người đến tăng gấp nhiều lần so với những năm trước đây.
Định hướng mục tiêu phát triển du lịch
Để lĩnh vực du lịch từng bước được khai thác phát triển, xứng tầm với tiềm năng, lợi thế. Thời gian tới, thị xã đề ra mục tiêu định hướng là tập trung phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại các địa điểm du lịch và cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, đảm báo đáp ứng nhu cầu của khách du lịch cả về số lượng và chất lượng. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách.
Đặc sản Tung lò mò người Chăm (xã Châu Phong)
Để sớm hoàn thành mục tiêu trên, thị xã tiếp tục quan tâm cải tạo chỉnh trang cảnh quan, môi trường, nâng cao chất lượng mẫu mã các sản phẩm đặc trưng như: Dệt thổ cẩm, dệt lụa, dệt chiếu, sản phẩm ẩm thực như Tung lò mò, bánh bò, mắm cá mè vinh,… và các sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch. Đẩy mạnh việc bảo tồn, duy trì, khai thác các di sản văn hóa để phát triển du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, có sức cạnh tranh để thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài. Tập trung các sản phẩm du lịch Văn hóa cộng đồng, làng nghề, sinh thái, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh,… Phát triển nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch như lưu trú, lữ hành, ăn uống, vận chuyển, giải trí, mua sắm, trải nghiệm; khai thác hiệu quả các hoạt động của các nghề thủ công, lễ hội truyền thống tại các điểm du lịch.
Bên cạnh, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch của thị xã qua các kênh thông tin đại chúng; xây dựng các video, clip ngắn, các phóng sự trải nghiệm văn hóa, du lịch cộng đồng đăng tải trên website, trên trang fanpage, cổng thông tin điện tử và các trang mạng xã hội. Thường niên tổ chức các lễ hội, các sự kiện văn hóa, du lịch tại thị xã, nhằm tạo ra điểm nhấn trong việc nâng cao hình ảnh du lịch của thị xã. Tuyên truyền, khuyến khích tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có vốn vào đầu tư xây dựng và phát triển các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ tại thị xã. Phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ tại các điểm du lịch cộng đồng. Tăng cường công tác quản lý nhà nước các hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nhất là giá cả, chất lượng dịch vụ, vệ sinh, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên,…
Từ khi ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU, của Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Tân Châu, về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, đã tạo điều kiện thuận lợi về chủ trương trong việc thực hiện các mục tiêu về phát triển du lịch trên địa bàn thị xã, từ đó quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng tâm của thị xã, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách; thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế nói chung, du lịch nói riêng./. |
Văn Phô