(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Ngày 28-02, UBND tỉnh thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 với chủ đề “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh; khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra qua kết quả giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán”.
(Ảnh minh họa – Nguồn: chinhphu.vn)
Chương trình xác định mục tiêu là thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực, góp phần huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tạo nguồn cải cách tiền lương, đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến thực chất hơn trong nhận thức và hành động của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo đó, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2024 tập trung vào 09 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kế hoạch số 366/KHUBND ngày 09/6/2022 của UBND tỉnh, đồng thời phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 đã được Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) từ 7,5-8,5%, GRDP bình quân đầu người từ 70,27-70,88 triệu đồng/người/năm.
Khắc phục các hạn chế trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ, tập trung thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, kiến nghị, giải pháp đảm bảo chất lượng, tiến độ và yêu cầu của các Nghị quyết.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu ngân sách, nuôi dưỡng nguồn thu, chủ động rà soát, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý, điều hành thu hiệu quả. Tiếp tục thực hiện các giải pháp để tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội.
Đẩy mạnh phân bổ, triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng của tỉnh, công trình trọng điểm, liên vùng, dự án có tác động lan tỏa,…; xác định đây là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành và địa phương.
Thực hiện nghiêm quy định về quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó tập trung vào việc sắp xếp, xử lý tài sản công, về quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, khoáng sản theo quy định của Luật Đất đai hiện hành để đảm bảo nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, đem lại hiệu quả cao và bền vững.
Đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Đẩy mạnh cơ cấu lại, thoái vốn; nâng cao hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, trọng tâm là rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh, xác định đây là nhiệm vụ, giải pháp căn bản để thực hiện cải cách tiền lương.
Và cuối cùng là nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các cán bộ, công chức, viên chức trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, giải pháp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền cũng như thanh tra, kiểm tra gắn với cơ chế khen thưởng, kỷ luật kịp thời nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và tổ chức thực hiện ở các cơ quan, đơn vị./.
HY
Nguồn QĐ số 296/QĐ-UBND ngày 28/02/2024