Sách Đại Nam nhất thống chí viết về An Giang như sau: “Xưa là đất Tầm Phong Long, năm Đinh Sửu thứ 19 (1757) đời Thế Tông, quốc vương Chân Lạp Nặc Tôn dâng đất nầy, đặt làm đạo Châu Đốc, vì đất ấy có nhiều chỗ bỏ hoang, đầu đời Gia Long mộ dân đến ở, gọi là Châu Đốc Tân Cương”.
Năm Mậu Thìn 1808, Gia Long đổi Gia Định trấn thành Gia Định thành. Gia Định thành thống quản 5 trấn: Phiên An, Biên Hoà, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên. Tỉnh An Giang ( ngày nay) lúc bấy giờ thuộc trấn Vĩnh Thanh.
Năm Nhâm Thìn 1832, Minh Mạng đổi “Ngũ trấn” thành “Lục tỉnh” gồm : Phiên An, Biên Hoà, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.
Sách Đại Nam nhất thống chí viết “Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) lấy đất nầy cùng với huyện Vĩnh An tỉnh Vĩnh Long đặt làm phủ Tuy Biên và Tân Thành; đặt bốn huyện là Tây Xuyên, Phong Phú, Đông Xuyên và Vĩnh An lập tỉnh An Giang, đặc chức An Hà Tổng đốc, thống lĩnh 2 tỉnh An Giang và Hà Tiên, lại đặt hai ty Bố chánh, Án sát”.
Như vậy, tỉnh An Giang được thành lập từ năm 1983, gồm có 2 phủ, 4 huyện. Lỵ sở của tỉnh An Giang đặc tại Châu Đốc, nơi Tổng đốc An Hà trú đóng cai quản 2 tỉnh An Giang, Hà Tiên. Tỉnh An Giang ngày nay gần khớp với địa bàn hai huyện Đông Xuyên và Tây Xuyên xưa ( tức phủ Tuy Biên).
Năm 1835, Minh Mạng cho lấy đất Ba Thắc đặt thêm phủ Ba Xuyên, đặt hai huyện Phong Nhiêu, Phong Thạnh và lấy huyện Vĩnh Định tỉnh Vĩnh Long nhập vào tỉnh An Giang.
Năm Minh Mạng thứ 17 ( Bính Thân 1836), vua cho đạc điền lập địa bạ cả Nam Kỳ lục tỉnh. Địa bạ An Giang lần đầu tiên được xác lập ngày mùng 3 tháng 6 năm 1836, ghi nhận lúc bấy giờ có 2 phủ, 4 huyện, 18 tổng, 167 làng.
Đến thời Tự Đức, sau nhiều lần tách nhập, thêm phủ, huyện, An Giang có 3 phủ, 10 huyện ( Đại Nam nhất thống chí liệt kê chỉ có 9 huyện).
b-Dưới chế độ thực dân Pháp (1867 – 1945):
Theo Nghị định ngày 05/01/1876 của Thống đốc Dupré, Pháp bỏ hệ thống Nam Kỳ lục tỉnh mà chia thành 4 khu vực : Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bassac ; bao gồm 19 hạt. Tỉnh An Giang (Nam kỳ lục tỉnh) được chia thành 5 hạt ( Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Sa Đéc), tỉnh Hà Tiên chia thành 2 hạt ( Hà Tiên, Rạch Giá). Khu vực Bassac (Hậu Giang) gồm 6 hạt: Châu Đốc, Long Xuyên, Hà Tiên, Trà Ôn, Sóc Trăng, Rạch Giá (hạt Sa Đéc thuộc khu vực Vĩnh Long). Địa bàn An Giang ngày nay nằm trên 2 hạt Châu Đốc ( 10 tổng, 91 thôn) và Long Xuyên ( 8 tổng, 55 thôn).
Theo Nghị định ngày 20/12/1899, Pháp bãi bỏ các hạt đổi thành tỉnh.
Năm 1917, tỉnh Châu Đốc gồm 4 quận ( Châu Thành, Tân Châu, Tịnh Biên, Tri Tôn) 12 tổng, 98 xã và tỉnh Long Xuyên gồm 3 quận ( Châu Thành, Thốt Nốt, Chợ Mới) 8 tổng, 58 xã. Tương ứng địa bàn An Giang ngày nay thì chỉ có 6 quận, 16 tổng, 116 xã. Năm 1930, tỉnh Châu Đốc nhận thêm quận Hồng Ngự, tỉnh Long Xuyên vẫn như cũ.
c- Thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954):
Thời kỳ này, chính quyền tay sai tiếp tục duy trì các đơn vị hành chính như cũ. cả nước có 69 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Năm 1945, Nam kỳ có 21 tỉnh, trong đó tỉnh Châu Đốc có 5 quận là Tịnh Biên, Tri Tôn, Hồng Ngự, Tân Châu, Châu Phú và tỉnh Long Xuyên có 3 quận là Chợ Mới, Thốt Nốt, Châu Thành. Năm 1953, tỉnh Long Xuyên gồm 5 quận ( thành lập thêm 2 quận Núi Sập và Lấp Vò), tỉnh Châu Đốc vẫn như cũ ( 5 quận).
Đêm 22/9/1945, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ được thành lập và cuộc Kháng chiến Nam Bộ bắt đầu. Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh thành lập các chiến khu trong toàn quốc. Tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc thuộc Khu 9.
Để thuận lợi trong việc lãnh đạo địa bàn kháng chiến, ngày 12/9/1947, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ ra Chỉ thị số 50/CT phân chia lại địa giới 2 tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc thành 2 tỉnh mới là Long Châu Tiền thuộc Khu 8 và Long Châu Hậu thuộc Khu 9. Ngày 06/3/1948, hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc tổ chức hội nghị để thực hiện chỉ thị trên.
– Tỉnh Long Châu Tiền có 5 quận là Tân Châu, Hồng Ngự, Chợ Mới, Châu Phú B ( An Phú ngày nay) và Lấp Vò.
– Tỉnh Long Châu Hậu có 6 quận là Tịnh Biên, Tri Tôn, Thốt Nốt, Thoại Sơn, Châu Phú A và Châu Thành (bao gồm 2 tỉnh lỵ là Long Xuyên và Châu Đốc).
Ngày 07/02/1949, tỉnh Long Châu Hậu giao quận Thốt Nốt về tỉnh Cần Thơ và ngày 14/5/1949, tỉnh Long Châu Tiền giao quận Lấp Vò về tỉnh Sa Đéc.
Tháng 5/1949, tỉnh Long Châu Hậu tiếp nhận 3 xã Nam Thái Sơn, Bình Sơn và Thổ Sơn của quận Châu Thành (Rạch Giá) nhập vào quận Tri Tôn và tiếp nhận 2 xã Mỹ Hiệp Sơn (trừ 2 ấp Mỹ Phú, Mỹ Quới) và Tân Hội cùng 4 ấp của xã Tân Hiệp nằm về phía Bắc lộ Cái Sắn vào quận Thoại Sơn.
Tháng 6/1949, chia quận Tân Châu của tỉnh Long Châu Tiền thành 2 quận mới là quận Phú Châu gồm 17 xã và quận Tân Châu gồm 10 xã.
Theo Nghị định 58/TTg ngày 30/10/1950 của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề nghị của Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, 2 tỉnh Long Châu Hậu và Hà Tiên được sáp nhập thành tỉnh Long Châu Hà, gồm 8 quận: Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú A, Châu Thành, Thoại Sơn, Thốt Nốt, Giang Châu (quận Giang Thành và Châu Thành của Hà Tiên nhập lại, là huyện Hà Tiên ngày nay) và Phú Quốc. Tháng 7/1951, sáp nhập 2 quận Tri Tôn, Tịnh Biên thành quận Tịnh Biên; 2 quận Châu Thành, Thoại Sơn thành quận Châu Thành.
Ngày 27/6/1951, theo Nghị định 173/NB51 của Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, tỉnh Long Châu Sa được thành lập trên cơ sở nhập tỉnh Sa Đéc vào tỉnh Long Châu Tiền, gồm có 7 huyện: Châu Thành (Sa Đéc), Lai Vung, Cao Lãnh, Tân Hồng, Tân Châu, Phú Châu và Chợ Mới. Lúc này, 2 huyện Hồng Ngự và Tân Châu của Long Châu Tiền chia ranh giới lại thành 2 huyện Tân Hồng và Tân Châu. Đến tháng 7/1951, nhập huyện Lấp Vò vào tỉnh Long Châu Sa.
Nghị định 252/NB51 ngày 12/10/1951 của Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ chia liên khu Nam Bộ thành 2 phân liên khu: Phân liên khu Miền Đông gồm 6 tỉnh: Gia Định, Thủ Biên, Bà Rịa, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Long Châu Sa và Phân liên khu Miền Tây gồm 6 tỉnh: Bến Tre, Vĩnh Trà, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Châu Hà. Hai tỉnh Long Châu Hà và Long Châu Sa tồn tại đến năm 1954.
d- Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975):
Năm 1955, tỉnh Châu Đốc có 5 quận: Châu Phú, Tân Châu, Tri Tôn, Tịnh Biên, Hồng Ngự với 70 xã. Tỉnh Long Xuyên có 5 quận: Châu Thành, Chợ Mới, Núi Sập, Thốt Nốt, Lấp Vò với 47 xã.
Ngày 22/10/1956, theo Sắc lệnh 143/VN của Ngô Đình Diệm, địa phận Nam Việt Nam gồm Đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh. Tỉnh An Giang (tỉnh lỵ Long Xuyên) gồm tỉnh Châu Đốc và tỉnh Long Xuyên cũ. Bấy giờ, An Giang có 8 quận ( Châu Thành, Châu Phú, Chợ Mới, Tân Châu, Thốt Nốt, Tịnh Biên, Tri Tôn, Núi Sập); với 16 tổng, 96 xã. Đến ngày 06/8/1957, thành lập quận An Phú từ 13 xã của quận Châu Phú.
Ngày 08/9/1964, theo Sắc lệnh 246/VN ( chính quyền Sài Gòn), tỉnh An Giang được tách thành 2 tỉnh: tỉnh Châu Đốc (5 quận, 10 tổng, 57 xã) và tỉnh An Giang (4 quận, 6 tổng, 38 xã). Tỉnh Long Xuyên cũ được đặt tên là tỉnh An Giang cho đến năm 1975.
Về phía chính quyền Cách mạng, tháng 10/1954, Xứ ủy Nam Bộ lập lại 2 tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc. Tỉnh Long Xuyên gồm các quận: Châu Thành, Chợ Mới, Lấp Vò, Thốt Nốt, Phong Thạnh Thượng. Tỉnh Châu Đốc gồm các quận: Tân Châu, Hồng Ngự, Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Phú.
Theo sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ, giữa năm 1957, tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc hợp nhất lại thành tỉnh An Giang, gồm 9 quận: Chợ Mới, Thốt Nốt, Núi Sập, Châu Thành, Châu Phú, An Phú, Tân Châu, Tịnh Biên, Tri Tôn. Giao Hồng Ngự về tỉnh Kiến Phong và giao Lấp Vò về tỉnh Sa Đéc.
Để đối phó với tình hình mới, tháng 10/1961, Tỉnh ủy An Giang quyết định thành lập các liên huyện Tịnh Biên – Tri Tôn lấy tên Tịnh Biên, liên huyện Châu Thành – Huệ Đức lấy tên Châu Thành, liên huyện Tân Châu – An Phú lấy tên Tân Châu. Cuối năm 1962, Tỉnh uỷ chỉ đạo tách liên huyện Tịnh Biên – Tri Tôn trở lại 2 huyện như trước.
Năm 1963, giao Thốt Nốt về tỉnh Cần Thơ và nhận thêm huyện Hà Tiên của tỉnh Kiên Giang. Tháng 12/1965, giao Chợ Mới về tỉnh Kiến Phong và năm 1967 trả Hà Tiên về tỉnh Kiên Giang .
Thực hiện yêu cầu của Trung ương cục về việc thành lập tỉnh mới giữ vai trò đầu cầu hành lang từ trung ương về miền Tây Nam Bộ, tháng 8/1971, An Giang chia thành 2 tỉnh An Giang và Châu Hà.
– Tỉnh An Giang gồm 5 huyện: Châu Phú, Châu Thành X, An Phú, Tân Châu, Phú Tân, bao gồm 2 nơi mà nay gọi là thành phố Long Xuyên và thị xã Châu Đốc.
– Tỉnh Châu Hà gồm 6 huyện: Tịnh Biên, Tri Tôn, Huệ Đức, Hà Tiên, Phú Quốc và Châu Thành A của tỉnh Kiên Giang.
Tháng 5/1974, Trung ương Cục chia lại địa bàn các tỉnh, tỉnh An Giang, Châu Hà và Kiến Phong chuyển thành 2 tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hà.
– Tỉnh Long Châu Tiền gồm 6 huyện: Tân Châu, An Phú, Phú Tân A, Phú Tân B, Hồng Ngự và Tam Nông (nay là Thanh Bình thuộc tỉnh Đồng Tháp).
– Tỉnh Long Châu Hà gồm có các huyện: Châu Thành X, Châu Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên, Huệ Đức, Châu Thành A (Rạch Giá), Phú Quốc và 2 thị xã Long Xuyên và Châu Đốc.
Sau ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước ( từ 1975 đến 2000):
Những tháng đầu sau ngày giải phóng là thời kỳ quân quản. Khi có Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 20/12/1975 của Bộ Chính trị, tỉnh An Giang được thành lập bao gồm tỉnh Long Xuyên và tỉnh Châu Đốc cũ (trừ huyện Thốt Nốt). Tỉnh An Giang lúc này có 8 quận, 84 xã.
Tháng 2/1976, Nghị định của Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam giải thể khu hợp nhất tỉnh, bỏ danh xưng “quận” có từ thời Pháp và lấy lại danh xưng “huyện” ; “quận” và “phường” dành cho các đơn vị tương xứng với huyện và xã khi đã đô thị hóa. Tỉnh An Giang có 10 huyện, thị là : Châu Thành, Huệ Đức, Chợ Mới, Phú Tân, Châu Phú, Phú Châu, Tri Tôn, Tịnh Biên, thị xã Long Xuyên và thị xã Châu Đốc.
Ngày 11/3/1977, Quyết định 56/CP của Chính phủ hợp nhất huyện Huệ Đức và Châu Thành thành huyện Châu Thành, huyện Tri Tôn và Tịnh Biên thành huyện Bảy Núi.
Ngày 23/8/1979, Quyết định số 300/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng điều chỉnh địa giới một số huyện thuộc tỉnh An Giang. Huyện Bảy Núi được chia thành 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Huyện Châu Thành chia thành 2 huyện Châu Thành và Thoại Sơn. An Giang có 8 huyện và 2 thị xã.
Ngày 13/11/1991. Quyết định số 373/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng chia huyện Phú Châu thành 2 huyện Tân Châu và An Phú.
Quyết định số 699/TTg ngày 12/11/1994 của Thủ tướng Chính phủ đã giải quyết việc xác định ranh giới hành chính giữa 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang.
Năm 1996, tỉnh An Giang hoàn thành việc giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính và thành lập bộ hồ sơ, bản đồ và mốc địa giới hành chính các cấp trong tỉnh theo Chỉ thị 364/CT ngày 06/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng, được tổ chức nghiệm thu ngày 02/5/1996 tại An Giang. Đây là bộ hồ sơ đầy đủ tính pháp lý, khoa học, thống nhất và đủ điều kiện đưa vào quản lý, khai thác sử dụng theo Nghị định 119/CP của Chính phủ.
Ngày 01/3/1999, Nghị định 09/NĐCP của Chính phủ thành lập thành phố Long Xuyên. Tỉnh An Giang hiện nay gồm các đơn vị hành chính trực thuộc là thành phố Long Xuyên, thị xã Châu Đốc và 9 huyện Châu Thành, Thoại Sơn, Chợ Mới, Phú Tân, Châu Phú, Tân Châu, An Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên; với 140 đơn vị hành chính cơ sở gồm 11 phường, và 11 thị trấn và 118 xã.
* Đến năm 2010, tỉnh An Giang có 11 đơn vị hành chính cấp huyện và 156 đơn vị hành chính cấp xã gồm 20 phường, 16 thị trấn, 120 xã.
(Theo Địa chí An Giang- UBND tỉnh AG- XB 2013, tr 26-31)