– Kênh Vĩnh Tế với chiều dài khoảng 97km, nối liền 2 trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự của vương triều Nguyễn, trải từ Châu Đốc đến Hà Tiên. Đây là công trình quy mô nhất thời bấy giờ, thể hiện tầm nhìn chiến lược của triều Nguyễn khi phát huy được vai trò và lợi ích to lớn trong lĩnh vực kinh tế, bang giao và quốc phòng trên vùng Tây Nam biên viễn.
Sự ra đời của kênh Vĩnh Tế (năm 1824) là bước đi rất quan trọng trong chiến lược phòng thủ biên giới Tây Nam của triều Nguyễn. Những giá trị con kênh này mang lại càng khẳng định chủ trương phát triển giao thông trên vùng biên giới của triều Nguyễn, là bước đi đúng đắn nhằm giải quyết 2 nhiệm vụ bức thiết là phát triển vùng đất mới và thiết lập thế trận phòng thủ biên cương, khẳng định chủ quyền đất nước. Đại Nam nhất thống chí chép: “Từ đấy đường sông thông, việc biên phòng và việc buôn bán đều được hưởng mối lợi vô cùng”.
Với chính sách quốc phòng dựa vào tiềm lực nội tại, triều Nguyễn đã nỗ lực thiết lập thế trận phòng thủ biên giới trên cơ sở phát huy sự quan yếu của các tuyến đường thủy trọng yếu. Trong đó, kênh Vĩnh Tế được xem “mũi kim” khai thông “nguyệt đạo” làm cho mạch máu giao thông từ Châu Đốc đến Hà Tiên được vận hành trơn tru để kết nối vùng biên giới Tây Nam thành một dải.
Do tầm quan trọng của tuyến biên giới trên bộ với Chân Lạp (Campuchia), triều Nguyễn đã triệt để tận dụng các tuyến sông làm hàng rào biên giới. Trong thế trận phòng thủ ấy, kênh Vĩnh Tế là mảnh ghép quan trọng cuối cùng trong chiến lược tận dụng “hàng rào nước” dọc tuyến biên giới để thiết lập hệ thống phòng thủ và khẳng định chủ quyền quốc gia.
“Hàng rào nước” bắt đầu từ phía Tây của đầu nguồn sông Hậu (sông Bassac) chạy dọc theo tuyến biên giới Tây Nam, kéo dài liên tục đến tận cửa biển Hà Tiên. Tuyến thủy lộ này có độ dài khoảng 140km với 4 đoạn đường nước, gồm: Sông Bình Ghi (10km), sông Phú Hội hay sông Takeo hoặc sông Ankor Borei (15km), sông Châu Đốc (18km) và kênh Vĩnh Tế (97km). Trong đó, kênh Vĩnh Tế được xem là thủy lộ quan trọng nhất để kết nối 2 trung tâm quốc phòng Châu Đốc – Hà Tiên và đóng vai trò như một phòng tuyến quân sự có khả năng phòng ngự linh hoạt trong hoàn cảnh xảy ra chiến tranh với Chân Lạp và Xiêm La (Thái Lan).
Tận dụng sự cơ động của sông nước biên giới, triều Nguyễn đã từng bước xây dựng hàng loạt các cơ sở quân sự, quốc phòng từ đầu nguồn sông Hậu cho đến Hà Tiên để giữ nước. Riêng đối với kênh Vĩnh Tế, với vai trò trọng yếu trong chiến lược trù biên, triều Nguyễn đã thiết lập nhiều cơ sở quân sự, quốc phòng kéo dài từ Châu Đốc đến cửa biển Hà Tiên.
Sự thiết lập số lượng lớn các cơ sở quân sự, quốc phòng dọc tuyến kênh Vĩnh Tế cho thấy quyết tâm phòng thủ đất nước dựa vào tuyến kênh này của triều Nguyễn. Kênh Vĩnh Tế là hệ thống phòng thủ đường thủy ở phía trước, linh hoạt trong tác chiến được hỗ trợ từ hệ thống phòng thủ bộ binh của Thất Sơn ở phía sau. Đồng thời, nó cũng kết hợp với 2 hệ thống phòng thủ trên sông Hậu và sông Tiền để tạo ra thế tấn công địch liên tục. Tướng nhà Nguyễn Lê Văn Đức từng cho ý kiến rằng: “Sông Vĩnh Tế là đường sau của Hà Tiên, thông vào tận ruột tỉnh An Giang, việc phòng bị rất là quan trọng”.
Quan trọng hơn cả, kênh Vĩnh Tế đóng vai trò như 1 công trình đánh dấu, xác lập chủ quyền của người Việt trên vùng đất Nam Bộ. Từ trong lịch sử, vấn đề chủ quyền trên vùng đất Nam Bộ vốn rất nhạy cảm và dễ gây những bất đồng, xung đột giữa người Việt và người Chân Lạp.
Trong thế kỷ XVII và XVIII, vùng đất Nam Bộ được đẩy mạnh khai phá và dần mở rộng, nhất là theo các tuyến sông, kênh rạch. Theo đó, hệ thống chính quyền chúa Nguyễn cũng lần lượt ra đời, các đồn lũy bảo vệ đất đai, dân cư được dựng lên; hệ thống kênh rạch được nạo vét, đào mới phục vụ cho việc trị an, quốc phòng; chính sách khuyến khích khẩn hoang, lập làng được đẩy mạnh… Đây là những đảm bảo chắc chắn để lưu dân người Việt ngày càng vững tâm tiến vào khai phá lập nghiệp trên vùng đất Nam Bộ xưa.
Suốt 200 năm qua, kênh Vĩnh Tế vẫn vươn mình hiên ngang trấn thủ biên cương, nuôi dưỡng biết bao đời cư dân vùng biên viễn và khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia, dân tộc Việt Nam. Dòng Vĩnh Tế mãi là món quà vô giá mà ông cha đã để lại cho các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau tiếp tục gìn giữ, phát huy vai trò to lớn của nó trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên vùng biên viễn Tây Nam. Như vua Minh Mạng đã nói: “Thực là quan yếu cho quốc kế biên trù” lợi ức muôn năm vô cùng về sau.
TS DƯƠNG THẾ HIỀN
(Trường Đại học An Giang)
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/an-giang-24-gio/thoi-su/200-nam-kenh-vinh-te-su-menh-tran-bien-khang-dinh-chu-quyen-a406145.html