Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tiếp Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva tại Bắc Kinh vào tuần tới.
Đó sẽ là cuộc gặp gỡ giữa 2 chính khách đang tìm kiếm sự phục hưng: Một người muốn cả thế giới biết rằng đất nước mình đang trên đường trở lại thời kỳ huy hoàng trước đây sau 3 năm đóng cửa vì Covid-19. Người kia muốn báo hiệu rằng đất nước mình đang phục hồi sau 4 năm hỗn loạn dưới bàn tay một nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy cực hữu.
Sau một thời gian Brazil bị cô lập dưới thời người tiền nhiệm cực hữu Jair Bolsonaro, ông Lula đã không lãng phí thời gian để nối lại quan hệ với các đồng minh. Trong vòng 3 tháng sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Lula da Silva đã đến thăm Argentina và Mỹ.
Và chuyến thăm 6 ngày, từ ngày 26-31/3, tới Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Brazil, là chìa khóa cho tham vọng của ông. Trong chuyến đi, ông Lula sẽ được tháp tùng bởi nhiều nhân vật quyền lực nhất trong nền chính trị, công nghiệp và kinh doanh nông nghiệp của Brazil. Đặc biệt, hơn 1/4 trong số gần 250 doanh nhân đi cùng đến từ ngành xuất khẩu thịt hùng mạnh của quốc gia Nam Mỹ.
“Chuyến thăm của Tổng thống Brazil là một tín hiệu rất rõ ràng rằng ông ấy muốn có một cuộc đối thoại song phương cấp cao và làm sâu sắc thêm mối quan hệ này”, ông Evandro Menezes de Carvalho, một chuyên gia về Trung Quốc tại tổ chức tư vấn Getulio Vargas Foundation (FGV) có trụ sở ở Rio de Janeiro, nói với AFP.
Các nhà phân tích nói rằng kỳ vọng của Trung Quốc cũng rất cao, khi các quan chức ở Bắc Kinh coi Brazil – quốc gia dẫn đầu ở Nam bán cầu – như một trụ cột trong các kế hoạch chiến lược và kinh tế của họ.
Chuyến thăm cũng sẽ thúc đẩy chiến dịch của ông Tập Cận Bình nhằm khẳng định mình là một chính khách toàn cầu và một người kiến tạo hòa bình với quyết tâm ghi dấu ấn của Trung Quốc trong các vấn đề thế giới từ Đông Âu đến Trung Đông và Mỹ Latinh.
“Họ rất hữu ích với nhau”, ông Matias Spektor, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại tổ chức FGV, nói về ông Lula da Silva và ông Tập Cận Bình.
“Đối với ông Lula, chuyến thăm giúp gửi thông điệp tới khán giả trong nước, tới các quốc gia Nam Mỹ khác và Mỹ rằng Brazil đã trở lại. Còn theo quan điểm của ông Tập, điều đó cũng cho thấy rằng ngay cả ở một khu vực như Mỹ Latinh, nơi có truyền thống chịu ảnh hưởng của Mỹ, Trung Quốc vẫn có đòn bẩy”.
Brazil đã nhận được một “điều khích lệ” hôm 23/3 khi Trung Quốc quyết định dỡ bỏ lệnh đình chỉ nhập khẩu thịt bò Brazil kéo dài 1 tháng, sau khi một ca bệnh bò điên “cá biệt” được xác nhận vào tháng 2.
Brazil muốn thúc đẩy thương mại, tập trung vào đa dạng hóa sản phẩm… nhưng cũng muốn thu hút đầu tư từ Trung Quốc, ông Menezes cho biết, chỉ ra tiềm năng phát triển công nghệ như chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, hoặc nối lại các dự án tàu cao tốc giữa các thành phố của Brazil.
Brazil cũng là điểm đến đầu tư chính của Trung Quốc vào Mỹ Latinh từ năm 2007 đến 2020, trị giá 70 tỷ USD, theo Hội đồng Kinh doanh Brazil-Trung Quốc.
Tiền chủ yếu được đầu tư vào sản xuất dầu và điện, nhưng cũng được rót vào ngành công nghiệp ô tô, máy móc hạng nặng, khai thác mỏ, nông nghiệp và công nghệ thông tin.
Brazil là một thị trường khổng lồ cho các công ty Trung Quốc, chẳng hạn như gã khổng lồ công nghệ Huawei. Và một thỏa thuận giữa hai nước về sử dụng đồng Nhân dân Tệ trong thương mại song phương trị giá hàng triệu USD có thể giúp quốc tế hóa đồng tiền Trung Quốc.
“Quy mô của Brazil và quy mô của mối quan hệ cũng có nghĩa là các mục tiêu kinh tế chiến lược toàn cầu của Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ quan hệ tốt đẹp của Bắc Kinh với Brazil hơn bất kỳ quốc gia nào khác”, ông Evan Ellis, chuyên gia về Trung Quốc và Nga tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Bán cầu ở Washington, cho biết.
“Bên cạnh các mối quan hệ về kinh tế và kinh doanh, đừng quên rằng cũng có mối quan hệ đối tác chiến lược” dựa trên vai trò là nhà lãnh đạo của Brazil ở Nam bán cầu, ông Ellis nói.
Tổng thống Lula da Silva coi ngoại giao đa phương là ưu tiên hàng đầu trong 2 nhiệm kỳ Tổng thống trước đây của mình (2002-2010) và đã đến thăm Bắc Kinh 3 lần.
Và chính trong nhiệm kỳ của ông, nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS bao gồm Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Nga và Nam Phi, đã được thành lập.
Minh Đức (Theo The Guardian, Digital Journal)