Nhiều người cho rằng ăn mặn hại thận còn ăn ngọt gây thừa cân, béo phì. Điều này có đúng không? (Trang, 33 tuổi, Hà Nội).
Trả lời:
Không chỉ ăn mặn mà tiêu thụ thực phẩm có nhiều đường cũng có thể hại thận. Đường gây hại cho thận theo nhiều cơ chế khác nhau:
Thừa cân, béo phì: Đường có thể gây rối loạn chuyển hóa do làm tăng các loại chất béo khác nhau trong cơ thể, khiến bạn tăng cân và béo phì. Đây là tác nhân hàng đầu thúc đẩy đái tháo đường type 2 tiến triển. Rối loạn chuyển hóa và đái tháo đường là những nguyên nhân quan trọng gây tổn thương mạch máu trong đó có mạch thận, dẫn đến suy thận mạn tính.
Tăng hấp thụ natri: Nghiên cứu cho thấy tiêu thụ nhiều đường glucose làm tăng khả năng hấp thụ muối natri tại ruột non, khiến thận phải làm việc nhiều hơn để thải muối dư thừa.
Tăng huyết áp: Đường ức chế cơ thể sản xuất oxit nitric (NO), một hợp chất kích thích thành mạch co giãn. Ăn nhiều đường kích thích sự thu hẹp của mạch máu, gây tăng huyết áp, gây bệnh thận và thúc đẩy suy thận mạn tính tiến triển nhanh hơn.
Sỏi thận: Đường, đặc biệt là đường fructose, có thể làm tăng lượng canxi và oxalate trong nước tiểu, tạo điều kiện hình thành các tinh thể canxi oxalate và gây sỏi thận.
Do đó, bạn nên hạn chế thực phẩm có nhiều đường để bảo vệ sức khỏe nói chung và sức khỏe thận nói riêng.
Các nhóm thực phẩm chứa nhiều đường cần hạn chế như nước giải khát công nghiệp gồm nước ngọt, trà sữa, nước trái cây đóng chai, đồ uống có ga chứa đường. Các loại thức ăn vặt như bánh ngọt, bánh quy, kẹo, chocolate, đậu phộng bơ, khoai tây chiên… Hạn chế nước sốt và gia vị đóng hộp, hoa quả và ngũ cốc sấy khô.
Sinh tố và nước ép hoa quả có lợi cho sức khỏe do cung cấp nhiều loại vitamin và chất xơ. Tuy nhiên tiêu thụ quá nhiều cũng có thể gây hại do nhiều đường. Nên tránh thêm đường và lựa chọn những loại quả có hàm lượng đường thấp như chanh, chanh leo, cam, bưởi, táo, đu đủ, dâu tây, dưa hấu.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh
Bộ môn Nội tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội