(Dân trí) – Không chỉ là thủ phủ cà phê của Việt Nam, Buôn Ma Thuột còn được biết đến là một trong những thành phố có tỷ lệ cây xanh cao nhất cả nước, được quy hoạch phát triển bài bản.
TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) được ví “rừng trong phố”, bao quanh tất cả các tuyến phố đều là những hàng cây xanh mát với nhiều loại cây đặc trưng của Tây Nguyên như: xà cừ, giáng hương, me tây, kơ nia, cẩm lai, bằng lăng tím…
Tỷ lệ cây xanh toàn thành phố của Buôn Ma Thuột trên 17m2/người, trong nội thành khoảng 8,27m2/người. Chính quyền thành phố đang nỗ lực nâng lên tỷ lệ cây xanh nội thành lên 9m2/người.
Hầu hết các tuyến phố đều phủ bóng cây xanh, mát rượi, không khí trong lành, người dân và du khách cảm nhận rõ điều này khi lưu thông trên một số tuyến đường có mật độ cây xanh nhiều như: Trần Hưng Đạo, Đam San, Lê Duẩn, Cao Thắng…
Nhiều khu dân cư tại Buôn Ma Thuột được quy hoạch bài bản, khoa học, cây xanh được ưu tiên trồng phủ xung quanh. Trong quá trình xây dựng các khu dân cư mới, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ về hệ thống hoa viên, tiểu hoa viên, cây xanh phục vụ người dân trong khu vực.
Riêng với những khu phố cũ, thành phố chú trọng thực hiện việc chỉnh trang, đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo đảm không gian cho cây xanh phát triển, tăng cường hệ thống cây xanh công viên phục vụ cho người dân.
Tọa lạc tại trung tâm TP Buôn Ma Thuột, Bảo tàng văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk nằm trong khuôn viên Biệt điện Bảo Đại như một “khu rừng” thu nhỏ với tổng diện tích sàn hơn 9.000m2 cùng hàng trăm gốc cổ thụ, đa dạng về chủng loại. Trong đó, có 2 cây long não trong khuôn viên được công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Đại lộ Đông – Tây ở TP Buôn Ma Thuột vừa được hoàn thành với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, đây là một trong những con đường đẹp nhất của thành phố cà phê, kết nối khu vực trung tâm với Cảng hàng không Buôn Ma Thuột.
Hai bên tuyến đại lộ Đông – Tây dân cư khá thưa thớt, rải rác, chính quyền TP Buôn Ma Thuột đang cho lấy ý kiến cộng đồng quy hoạch chi tiết khu dân cư phía nam đại lộ Đông – Tây nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển, hình thành khu dân cư.
Bảo tàng Cà phê Thế giới với kiến trúc rất độc đáo được phủ cây xanh mướt xung quanh. Đây là địa điểm du lịch được hầu hết các du khách khi đến TP Buôn Ma Thuột đều chọn tham quan. Bảo tàng này trưng bày trên 10.000 hiện vật liên quan đến cà phê trên toàn thế giới.
Hàng cây me tây trăm năm tuổi trên đường Phan Đình Giót là địa điểm check-in (chụp ảnh lưu niệm) của nhiều du khách. Tuyến đường dài khoảng 2km được lựa chọn làm phố đi bộ của TP Buôn Ma Thuột và là địa điểm tổ chức nhiều hoạt động văn hóa các dân tộc của tỉnh.
Với tầm nhìn chiến lược, quy hoạch bài bản, sự quan tâm đầu tư đúng mức, Buôn Ma Thuột đang dần được xây dựng để xứng tầm đô thị sinh thái, bản sắc và hiện đại là trung tâm vùng Tây Nguyên như theo Kết luận 67 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Trần Đức Nhật – Phó Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột – cho biết thành phố xanh này là kết quả tầm nhìn chiến lược của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh suốt nhiều thập kỷ qua, đang được kế thừa và phát huy.
Theo ông Nhật, thành phố lập đề án phát triển cây xanh đô thị lồng ghép vào các chương trình quy hoạch xây dựng đô thị, có quy chế quản lý kiến trúc của thành phố.
Ngoài ra, thành phố cũng tập trung chỉ đạo các xã, phường, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào việc trồng cây xanh, tạo dựng môi trường sống “xanh – sạch – đẹp”, đậm bản sắc trung tâm vùng Tây Nguyên.
Dantri.com.vn