Trong ngày hội có nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc, thu hút hàng chục nghìn đồng bào, du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Cuốn hút, thu hút đông đảo du khách là các hoạt động: Thi chọi bò, trình diễn bay dù lượn, thi ném ngô vào gùi, thi đẩy gậy, hội thi văn nghệ quần chúng, thi thổi khèn của đồng bào dân tộc H’Mông…
Các gian hàng ẩm thực với món mèn mén (chế biến từ hạt ngô) cùng nhiều món ăn đặc sắc của địa phương cũng thu hút đông đảo du khách đến thưởng thức.
Nhiều du khách bị cuốn hút và dành nhiều thời gian chụp ảnh bên những cây lê, cây mắc cọt (hay còn gọi là cây mắc cọp, loại quả cùng họ với quả lê, nhưng nhỏ hơn), đang nở hoa trắng muốt, tinh khôi.
Xã biên giới Xuân Trường, nơi có đèo 15 tầng-Khau Cốc Chà thơ mộng và hùng vĩ là điểm đến mới tại tỉnh Cao Bằng, được nhiều du khách tìm đến tham quan, trải nghiệm.
Màu hoa trắng tinh khôi bên nếp nhà sàn truyền thống ở xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.
Đến xã Xuân Trường dịp này, du khách sẽ bắt gặp nhiều cây lê, cây mắc cọt ra hoa, cây được trồng ở quanh vườn nhà, trước hiên nhà, dọc theo những cung đường ngoài ruộng lúa, trên nương ngô tạo nên một không gian ngập tràn một màu trắng tinh khôi, bừng sáng. Quả lê Xuân Trường có vị thơm, ngon và được nhiều người ưa chuộng.
Phát biểu ý kiến khai mạc Ngày hội văn hóa dân tộc H’Mông-Mùa hoa lê, đồng chí Hoàng Thị Đà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bảo Lạc chia sẻ, đồng bào dân tộc H’Mông chiếm 17% dân số toàn huyện, với hơn 9 nghìn người, sinh sống ở 16/17 xã, thị trấn trong huyện.
Đồng bào các dân tộc huyện Bảo Lạc nói chung và đồng bào dân tộc Mông nói riêng đang lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo trong trang phục, ẩm thực, nhạc cụ và dân ca, dân vũ…
Thông qua tổ chức ngày hội nhằm tôn vinh, bảo tồn bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc; quảng bá, phát triển du lịch, cải thiện thu nhập, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc tại địa phương./.
nhandan.vn