Vào thời điểm bắt đầu từ những ngày đầu tháng 12 Âm lịch, thị trường thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán bắt đầu sôi động, các mặt hàng phục vụ nhu cầu Tết cho người dân tăng cao. Lợi dụng sự sôi động của thị trường, nhiều mặt hàng thực phẩm bẩn, không nguồn gốc xuất xứ, hàng giả hàng nhái các nhãn hiệu cũng vì thế có cơ hội luồn lách vào thị trường. Đến hẹn lại lên, nỗi lo thực phẩm bẩn, hàng nhái hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng tới sức khỏe lại trở thành nỗi lo khá phổ biến của người tiêu dùng.
Trước, trong và sau Tết Nguyên đán là dịp mà các cơ quan chức năng phải tăng cường các hoạt động về quản lý, giám sát an toàn thực phẩm vì trên thị trường, hàng hóa, thực phẩm bắt đầu nườm nượm đổ về các chợ đầu mối, chợ truyền thống, siêu thị bán lẻ, hộ kinh doanh cá thể…Từ thành phố đến nông thôn, các loại hàng thực phẩm cứ thế được trao đổi, mua bán sầm uất, các lực lượng chức năng buộc phải tăng cường công tác theo dõi nắm bắt và kịp thời xử lý những sản phẩm hàng hóa nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Mặt khác ra sức tuyên truyền để người tiêu dùng, người dân biết, phòng tránh trước “ma trận” thực phẩm dồi dào những ngày giáp Tết.
Là một người khá bận rộn với công việc, thế nhưng để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết cho cả gia đình, chị Chu Thị Cường (TP Vinh, Nghệ An) tâm sự rằng đó quả thực cũng luôn là nỗi lo, áp lực. Dịp Tết, do thói quen tiêu dùng, cũng như việc người thân ở xa về quê ăn Tết đông, nên năm nào trước dịp Tết, chị lại tất tưởi đặt, chọn mua các loại hàng hóa ở những siêu thị quen thuộc hoặc hộ kinh doanh quen mặt.
“Thường ngày không lo lắng lắm vì nhu cầu cũng không nhiều, nhưng dịp trước, trong và sau Tết thì nguồn thực phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh, chất lượng cho cả nhà là cả một sự quan tâm lớn. Thị trường thực phẩm Tết thì khá dồi dào, ra ngõ là gặp những mặt hàng được bán như rau củ, thịt cá, lợn, bò…Cũng không thể tích trữ nhiều được, nhưng lại phải chọn mặt gửi vàng, mua ở những chỗ thân quen, siêu thị uy tín, nhưng không vì thế mà chủ quan, vẫn phải luôn nhìn kỹ, cái nào đủ thông tin thì lựa chọn, còn không vẫn phải dè chừng”, chị Cường bộc bạch.
Trao đổi với phóng viên, về những băn khoăn của người tiêu dùng vào thời điểm hàng hóa thực phẩm sôi động như dịp Tết, làm sao người tiêu dùng an tâm sử dụng các loại thực phẩm một cách thoải mái, phù hợp với nhu cầu mà bảo đảm an toàn, vệ sinh, bảo đảm sức khỏe, Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An Phạm Ngọc Quy cho rằng, để bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng thực phẩm cần nâng cao trách nhiệm, ý thức hơn nữa đối với hàng hóa thực phẩm trên thị trường.
Theo ông Quy, đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cần tuân thủ các điều kiện an toàn thực phẩm như: Điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện về trang thiết bị dụng cụ và điều kiện về con người tham gia sản xuất thực phẩm.
Chỉ sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng, đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định trong sản xuất thực phẩm.
Thực hiện tự công bố, đăng ký công bố sản phẩm theo quy định. Chỉ kinh doanh những loại thực phẩm có ngồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, thực phẩm bao gói sẵn phải có bản tự công bố, đăng ký công bố sản phẩm, thực phẩm nhập khẩu phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Tuyệt đối không buôn, bán hàng thực phẩm giả, kém chất lượng. Chú ý các điều kiện bảo đảm an toàn trong bảo quản tại kho hàng, cửa hàng và trong quá trình vận chuyển lưu thông.
Khuyến cáo đối với người tiêu dùng hãy luôn là những “người tiêu dùng thông thái” với việc chọn mua thực phẩm an toàn bằng các biện pháp như không mua sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng. Không mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh mất vệ sinh, không bảo đảm an toàn. Khi tiếp cận các sản phẩm cần xem kỹ nhãn sản phẩm thực phẩm.
Chọn thực phẩm tươi và rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên gọt vỏ trước khi ăn. Thực phẩm đông lạnh để tan đá, rồi làm đông đá lại là kém an toàn.
Để bảo đảm an toàn, người tiêu dùng không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm. Phương châm mua vừa đủ ăn trong những ngày Tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng, hoặc mốc, hỏng. Cần nêu cao vai trò chế biến thực phẩm an toàn, luôn sử dụng nguồn nước sạch, giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ,giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ…
Cần bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín, nấu chín kỹ thức ăn. Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ nóng liên tục trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại. Không để lẫn thực phẩm sống và chín, thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn, như dùng chung dao, thớt để chế biến thực phẩm sống và chín.
Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác. Giữ sạch bề mặt chế biến thức ăn, do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.
Cần che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác, che đậy giữ thực phẩm trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn… Đó là cách bảo vệ tốt nhất. Khăn đã dùng che đậy thức ăn chín phải được giặt sạch lại. Và chú ý sử dụng nguồn nước sạch an toàn, hãy đun sôi trước khi làm đá uống. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu thức ăn cho trẻ nhỏ…
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/nghe-an-an-toan-thuc-pham-vui-xuan-don-tet-nguyen-dan-at-ty-2025.html