Với người dân TP.HCM, tình cảm ấy còn đặc biệt hơn khi đã, đang và sẽ dành tặng những công trình có ý nghĩa thiết thực cho đời sống bà con nơi đây…
Chúng tôi trở lại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Ảng sau tròn 10 năm. Năm 2014, kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, báo Tuổi Trẻ tổ chức chương trình “Tháng Ba biên giới” tại tỉnh Điện Biên.
Cũng dịp đó, Đảng bộ và nhân dân TP.HCM quyết định xây tặng huyện Mường Ảng một bệnh viện quy mô 95 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 1 xây dựng cơ sở vật chất cho các khoa phòng cấp thiết với kinh phí 30 tỉ.
Được đánh thức sau 5 năm nằm trên… bản vẽ
Còn nhớ lúc về Mường Ảng làm lễ khởi công xây dựng bệnh viện, khi đó huyện vừa được thành lập được mấy năm từ hơn một phần tư diện tích của huyện Tuần Giáo. Vùng quy hoạch trung tâm huyện nằm dưới chân đèo Tằng Quái còn ngổn ngang lau lách.
Nghĩ về giấc mơ một trung tâm y tế có kinh phí xây dựng giai đoạn 1 với 30 tỉ đồng (thời giá năm 2014) để tặng cho bà con, lãnh đạo huyện Mường Ảng bảo “nằm mơ cũng không nghĩ tới”.
Nói là nằm mơ cũng không sai bởi những năm tháng ấy những tỉnh Tây Bắc như Điện Biên còn gian khó, huyện xa như Mường Ảng càng khó hơn. Một lãnh đạo bệnh viện đưa cho chúng tôi bản dự án xây dựng bệnh viện được lập từ năm… 2009.
Nghĩa là dự án được lập từ 5 năm trước nhưng chỉ là trên giấy và vẫn phải chờ kinh phí chưa biết khi nào có để khởi công. Trong khi đó sức khỏe của hơn 5 vạn người dân huyện Mường Ảng vẫn trông cậy vào một phòng khám đa khoa khu vực chỉ đủ phục vụ cho vài chục giường bệnh.
Công trình xây dựng Bệnh viện Mường Ảng – món quà của nhân dân TP.HCM tặng cho bà con rẻo cao Tây Bắc – được triển khai với tốc độ chạy đua thời gian, ưu tiên những đơn nguyên quan trọng để kịp thời chuyển bệnh viện cũ ra nơi mới, tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho nhân dân.
Các khoa phòng đầu tiên được xây dựng cấp tốc là khoa khám bệnh và điều trị ngoại trú, nhà hành chính quản trị; khoa chẩn đoán hình ảnh và khoa xét nghiệm; khoa hồi sức cấp cứu, khoa phẫu thuật và hệ thống xử lý nước thải. Công trình kịp khánh thành giai đoạn 1 đúng vào dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ hai năm sau đó, tháng 5-2016.
Nhưng câu chuyện về cơ sở vật chất mấy chục tỉ chỉ là một phần, điều chúng tôi muốn thấy ở bệnh viện được xây nên từ nghĩa tình của những tấm lòng phương Nam này là đã thực sự phát huy hết tấm lòng “lương y như từ mẫu” để chăm sóc sức khỏe cho bà con Mường Ảng như thế nào trong gần 10 năm qua.
Buổi sáng, từ thành phố Điện Biên Phủ về huyện Mường Ảng, khi đi qua đèo Tằng Quái, chúng tôi dừng lại để lấy một số khuôn hình về cảnh các đoàn xe đang hối hả ngược lên Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm chợt thấy một đôi vợ chồng cùng dừng nghỉ chân ở quán lưng đèo. “Đi thành phố chơi hội hay sao đi sớm thế?”, chúng tôi hỏi thăm.
“Không, mình đi về Bệnh viện Mường Ảng để mổ mắt”.
“Ở xã nào mà về Mường Ảng?”.
“Mình ở xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa, ra tới đây phải hơn một trăm cây số vớ”.
Bệnh nhân đi hơn 100km từ Tủa Chùa qua Mường Ảng để chữa mắt ấy là chị Vàng Thị Tùng.
Không chỉ chị Tùng, nhiều bệnh nhân ở các huyện lân cận cũng về Bệnh viện Mường Ảng bởi cơ sở vật chất ở đây tốt hơn và đội ngũ thầy thuốc ở đây có chuyên môn cao.
Hôm chúng tôi làm việc ở Bệnh viện Mường Ảng, Giám đốc bệnh viện – bác sĩ chuyên khoa 2 Bùi Thanh Hải vừa vào TP.HCM dự một khóa tập huấn chuyên môn. Tiếp chúng tôi là bác sĩ Nguyễn Xuân Thành, phó giám đốc bệnh viện. Càng bất ngờ hơn khi buổi làm việc có cả Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng Tô Trọng Thiện.
Vừa gặp chúng tôi, anh chủ tịch huyện trẻ dường như cố nhớ lại một điều gì đó rồi bảo: “Tôi thấy các anh quen lắm, các anh giới thiệu ở báo Tuổi Trẻ vậy chắc chúng ta đã gặp nhau ở Sam Lang rồi!”.
Chúng tôi ngạc nhiên. “À, thời điểm xây cầu Sam Lang tôi là trưởng ban quản lý dự án của Sở GTVT tỉnh Điện Biên, được sở phân công vào trực tiếp chỉ đạo việc theo dõi tiến độ công trình cầu treo Sam Lang”, anh Thiện nói.
Xây bởi nghĩa tình nên ân tình chảy mãi…
Khi mới tách ra khỏi huyện Tuần Giáo để thành lập huyện mới Mường Ảng, Trung tâm y tế huyện cũng được hình thành trên cơ sở phòng khám khu vực chỉ với năm bác sĩ và một số nhân viên y tế, đến nay đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế của cả bệnh viện lên đến 216 người với trình độ chuyên môn cao.
Bệnh viện có đến 9 dãy nhà kiên cố với nhiều công trình phụ trợ, bộ máy hoạt động chuyên môn gồm 3 phòng chức năng và 15 khoa, quản lý thêm 1 phòng khám đa khoa khu vực ở xã Búng Lao với 16 giường bệnh, 10 trạm y tế xã, 1 cơ sở điều trị Methadone. Quy mô bệnh viện từ 60 giường đã lên 120 giường nhưng thực kê là 200 giường bệnh.
Trình độ chuyên môn của y bác sĩ ngày càng được nâng cao, trước đây nhiều ca bệnh ở mức khó vừa phải cũng phải chuyển lên tuyến trên, nay thì rất nhiều ca bệnh khó, thủ thuật phức tạp đã được các thầy thuốc ở đây tự tin xử lý thành công.
Thật ra câu chuyện về tay nghề, về trình độ chuyên môn hay hạ tầng kỹ thuật đáp ứng các yêu cầu để xử lý ca bệnh là những điều cần thiết để người dân đặt niềm tin. Nhưng chúng tôi tâm đắc với ý kiến của Chủ tịch UBND huyện Tô Trọng Thiện khi nói về Bệnh viện Mường Ảng:
“Các anh làm báo chắc quá biết, nếu có những chuyện này kia trong hệ thống y tế, chỉ cần vào Google tìm kiếm sẽ biết ngay. Nhưng ở Bệnh viện Mường Ảng thực sự các thầy thuốc đã chiếm được niềm tin của bệnh nhân. Không tin các anh có thể tự tìm hiểu thêm những câu chuyện đẹp của Mường Ảng”.
Thật sự chúng tôi bất ngờ khi mỗi lần có những bệnh nhân bệnh nặng, gia cảnh gian nan nhập viện là cả đội ngũ thầy thuốc lẫn nhân viên lại tìm mọi cách không chỉ cứu sống mà còn hỗ trợ tối đa cho bệnh nhân.
Trên trang mạng xã hội của bệnh viện tôi tìm thấy rất nhiều câu chuyện nhân văn như thế. Như cuối tháng 11 năm ngoái cháu Vàng A Nghĩa ở xã Ảng Tở mới 3 tuổi bị bỏng toàn cơ thể, bệnh viện vừa chữa chạy vừa kêu gọi cộng đồng hỗ trợ cho cháu hơn 50 triệu đồng.
Trước đó là cháu Mùa A Và ở xã Nặm Lịch bị viêm phổi nặng, người mẹ bế con mình đến viện nhưng không biết tiếng phổ thông, lại có dấu hiệu thiểu năng trí tuệ, vậy là cả bệnh viện lại vừa là thầy thuốc vừa là bảo mẫu cho hai mẹ con.
Rất, rất nhiều câu chuyện nghĩa tình cảm động như thế để kể về Bệnh viện Mường Ảng. Và chúng tôi nhớ một câu đúc kết rất hay của Chủ tịch huyện Tô Trọng Thiện: “Nhân dân Mường Ảng biết ơn nhân dân TP.HCM đã xây tặng cho bà con công trình bệnh viện hiện đại này. Có lẽ vì bệnh viện được xây nên bởi muôn vạn tấm lòng nghĩa tình, nên giờ đây đội ngũ y bác sĩ bệnh viện cũng tiếp nối trao truyền ân tình ấm áp ấy đến bà con”.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Thành, phó giám đốc bệnh viện, đưa chúng tôi đi thăm hầu hết các khoa phòng trong bệnh viện, giới thiệu kỹ càng các hệ thống thiết bị y tế hiện đại rồi nói: “Không chỉ cơ sở hạ tầng với các khu nhà khang trang, mà hầu hết trang thiết bị hiện đại này cũng được mua sắm từ nguồn tài trợ của TP.HCM”.
**********
>> Kỳ tới: Tôn vinh lịch sử trên đồi E2