“Tuyệt vời” – đó là lời khen của cô bé 10 tuổi Selena Phạm khi được hỏi cảm nhận về phở Việt Nam. Sinh ra ở Đức, Selena vốn không biết rõ mùi vị của món phở truyền thống Việt Nam, ngoài vài lần được về thăm quê hương và được gia đình đưa đi ăn phở vào buổi sáng.
Với Selena, món phở ở chợ Đồng Xuân tại thủ đô Berlin của Đức tuyệt vời không kém vị phở trong ký ức của bé.
Đi khắp thế giới
Thực ra, không khó để người Việt tìm thấy quán phở quanh Berlin, đặc biệt là ở khu chợ Đồng Xuân. Không nhiều như ở Việt Nam nhưng cũng không quá vất vả khi muốn thưởng thức một tô phở đặc biệt tại đây.
Có sự khác biệt lớn về cỡ tô phở ở Việt Nam và nước ngoài. Lần đầu chứng kiến một tô phở ở trời Tây, tôi buột miệng thốt lên: “Làm sao có thể ăn hết một tô phở to thế này?”. Thế nhưng, tô phở cỡ đại là bình thường ở đây.
Các món ăn kèm phở cực kỳ phong phú: từ tái, gân, gàu, nạm, bò viên… truyền thống đến lòng bò – với liều lượng cũng nhiều hơn ở quê nhà. Dĩ nhiên không thể thiếu những cọng giá trắng tinh mập mạp, những nhánh húng quế cũng cỡ đại nốt.
Ở trời Tây, ớt hiểm cay xé lưỡi thường được thay bằng ớt Mexico (tại Mỹ) hay ớt Thổ Nhĩ Kỳ (ở Đức, Pháp). Ớt Tây không cay bằng và vì thế làm giảm đi ít nhiều sự thú vị cho tô phở Việt nhưng nhìn chung cũng tạm ổn.
Thưởng thức phở Việt tại chợ Đồng Xuân ở Berlin – Đức
Khác biệt lớn nhất giữa phở ở trời Tây và “phở ta” chính là cọng phở. Không có những cọng phở mềm như thường thấy ở Việt Nam, cọng phở ở Tây dai hơn và gần giống với sợi hủ tiếu. Tuy nhiên, điều đó không mấy ảnh hưởng đến chất lượng tô phở ở xứ người.
Chị Helen Nguyễn, chủ quán phở Number 1 ở chợ Đồng Xuân, tâm sự dù khó nhưng chị luôn tâm niệm phải mang đến vị phở đúng nhất cho thực khách. Bởi lẽ, với khách Việt, họ sẽ dễ dàng biết tô phở đang ăn có phải là phở đích thực hay không; còn với thực khách nước ngoài, một tô phở ngon lành chính là cách để chị Helen giới thiệu cho họ biết ẩm thực Việt Nam tuyệt vời đến mức nào.
“Bí quyết để tôi nấu được một tô phở ngon là dành nhiều thời gian và tâm huyết cho nồi nước dùng. Cứ xong một buổi sáng tôi lại chuẩn bị xương cho nồi nước dùng của ngày hôm sau. Vị ngọt thanh tự nhiên này sẽ khiến cho tô phở Việt thêm đặc sắc” – chị tiết lộ.
Ở những nơi có nhiều người Việt sinh sống, phở được mặc định là không khó tìm. Nhưng cũng có nhiều nơi, khi thoáng thấy một tiệm phở, du khách Việt sẽ ngạc nhiên tột độ và cảm giác của họ lúc đó là “nhất định phải thử xem thế nào”. Tại đảo Cebu của Philippines, nhiều du khách đến từ Việt Nam khám phá ra có hẳn một chuỗi cửa hàng phở mang tên Phát.
Phở này… lạ lắm
Tuy nhiên, sự khác biệt về văn hóa ẩm thực khiến cho phở ở Philippines khó được lòng dân bản xứ. Với phong cách thưởng thức món ăn bằng tay, hiếm khi sử dụng muỗng, nĩa… – đũa lại càng không – của người dân tại đây, thức ăn của Philippines chủ yếu là các món khô, đặc biệt là gà rán, heo quay. Thế nên, tô phở đầy nước lèo trở nên kém thế hơn.
Thêm vào đó, giá thịt bò đắt đỏ khiến tô phở bò ở Philippines, tiếc thay, lại trở nên ấn tượng theo hướng tiêu cực.
Loe ngoe vài lát bò mỏng, bò viên lại có vị của mọc – loại mọc làm bằng thịt xay trộn với nấm mèo thường ăn với bún ở Việt Nam – cộng với nước lèo quá mặn, phở ở Philippines khó lòng được đánh giá là ngon miệng, dù giá bán ngang bằng với ở Mỹ hay châu Âu, khoảng 250.000-300.000 VNĐ/tô.
Nhưng có lẽ, sau cảm giác thất vọng thì thực khách Việt cũng chuyển sang thông cảm bởi cả chủ lẫn đầu bếp sáng tạo ra tô phở Việt ở Philippines là người Philippines 100%. So với phở ở Philippines, phở ở Hàn Quốc ngon đến bất ngờ và phở ở Singapore ở mức “tạm ổn” – theo đánh giá của cá nhân tôi.
Không chỉ trở thành món ăn quen thuộc với thế giới, phở Việt thậm chí còn được… lên trời, sau khi hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines quyết định đưa “phở bò chuẩn vị” vào thực đơn phục vụ hành khách với tên gọi “Phở Mây”. “Tuyệt cú mèo” – anh Tuấn Khanh, một “con nghiện phở”, thốt lên hài lòng sau khi thưởng thức một tô phở trên bầu trời.
Không phải ở quê nhà nên có nơi có lúc, thực khách phải bấm bụng ăn một tô phở không như ý. Nhưng rồi cũng chính họ lại tìm cách để biện minh, bởi tô phở kém vị họ vừa ăn lại chở đầy cái tình với quê hương.
Mỗi khi nhìn thấy quán phở, đọc những dòng chữ quảng bá “Phở Việt number 1”, trong mỗi người Việt lại không trỗi dậy cảm giác tự hào và cứ thế, họ vui lòng xí xóa những khiếm khuyết vốn không khó tìm trong một tô phở nơi xứ người.
Điều ước thành sự thật
Như nhiều nơi khác trên thế giới, món phở cũng gây nhiều thương nhớ ở xứ sở cờ hoa. Có dịp chuyện trò với ca sĩ Thanh Thảo, tôi nghe chị tâm sự rằng từ ngày chuyển đến khu vực chỉ có người bản địa sinh sống, chị khao khát ở đó có một tiệm phở Việt.
Chị kể: “Mỗi lần muốn ăn phở, Thảo phải lái xe khoảng 1 giờ để đến TP Garden Grove, nơi tập trung nhiều người Việt ở bang California. Nhiều lúc bận rộn và không có thời gian chạy đi xa, điều duy nhất Thảo mong mỏi là được ăn một tô phở nóng gần nhà”.
May mắn, điều ước này đã thành sự thật: Gần nhà chị vừa ra mắt quán Phở Việt. Thanh Thảo kể từ ngày quán khai trương đến thời điểm hiện tại là 2 tháng, cứ đều đặn 2 ngày một lần, chị đưa cả nhà đến ăn phở. Món khoái khẩu của chị là phở đuôi bò hay phở gà nóng hổi.
“Nhất là thời điểm này, California đang vào thu, trời mát mẻ lại càng khiến cho tô phở nóng thêm hấp dẫn” – ca sĩ Thanh Thảo hào hứng.