Hải quân Ấn Độ hiện đã triển khai hơn 10 tàu chiến nhằm tăng cường hiện diện hàng hải từ phía Bắc và phía Trung Biển Arab đến Vịnh Aden để ngăn chặn mọi âm mưu cướp biển cũng như tấn công bằng máy bay không người lái.
Biển Arab đang gặp nhiều đe dọa về an ninh hàng hải kể từ khi xung đột Israel-Hamas nổ ra. (nguồn: Yemen Monitor) |
The Times of Indian (TOI) cho hay, bên cạnh việc triển khai các tàu chiến, Hải quân Ấn Độ còn triển khai cả Lực lượng Biệt kích Thủy quân lục chiến (MARCOS).
Các quan chức lưu ý, Hải quân là lực lượng thường trực ở Khu vực Ấn Độ Dương (IOR) và sẽ làm bất cứ điều gì có thể để bảo vệ lợi ích quốc gia của Ấn Độ, đồng thời tạo điều kiện cho hoạt động thương mại toàn cầu được diễn ra trong khu vực này một cách tự do, công bằng và rộng mở.
Theo TOI, Ấn Độ đang tiến hành các hoạt động tăng cường an ninh hàng hải chưa từng có này một cách độc lập, trong bối cảnh New Delhi đã từ chối tham gia “Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng” đa quốc gia do Mỹ dẫn đầu được phát động ở Biển Đỏ vào tháng 12.
Mặc dù không nằm trong “Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng” nhưng Ấn Độ vẫn thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với tất cả các nước bạn bè như Mỹ, Anh, Pháp.
Bên cạnh đó, Hải quân Ấn Độ cũng đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan hàng hải của các quốc gia khác để theo dõi tình hình chung và đảm bảo an toàn cho các tàu buôn.
Trung tâm Hợp nhất Thông tin-Khu vực Ấn Độ Dương (IFC-IOR) do Ấn Độ chủ trì cũng được đặt trong tình trạng báo động, trong khi Trung tâm Phân tích và Quản lý Thông tin của Hải quân Ấn Độ (IMAC) đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì an ninh hàng hải.
Trước đó, hồi tháng 12 năm ngoái, tàu MV Chem Pluto, chở 21 thủy thủ, trong đó có 20 người Ấn Độ đã bị một máy bay không người lái (UAV) tấn công và bốc cháy trên Biển Arab khi đang trên đường tới nước này.