Tác dụng của khoai lang với sức khỏe
Làm đẹp da
Acid chlorogenic trong khoai lang có thể ức chế sản xuất melanin và ngăn ngừa sự xuất hiện của tàn nhang, đốm đồi mồi. Khoai lang chứa nhiều vitamin C, đây là khoáng chất cần thiết cho làn da của bạn.
Ăn khoai lang thường xuyên giúp da được cung cấp nhiều dinh dưỡng có lợi, từ đó giúp chống lão hóa. Ngoài ra, trong “Bản thảo cương mục” ghi chép, khoai lang tác dụng bổ khí, tăng cường sức mạnh của lá lách và dạ dày.
Giúp giảm cân
Khoai lang chứa lượng calo thấp, chỉ bằng khoảng một nửa gạo trắng. Chất xơ dồi dào trong chúng giúp tăng cảm giác no, khiến bạn ít cảm thấy đói hơn, từ đó giảm tần suất ăn vặt. Chất xơ giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa chất béo và đường trong thực phẩm, hai chất này là nguyên nhân chính gây ra bệnh béo phì ở con người.
Khoai lang có chỉ số đường huyết GI khoảng 50-55, là thực phẩm giàu tinh bột, giá trị dinh dưỡng phong phú nên rất thích hợp cho người ăn kiêng. Dùng làm thực phẩm hỗ trợ giảm cân để thay thế gạo trắng, bánh mì trắng và các thực phẩm khác là một trong những sự lựa chọn phù hợp với khoai lang.
Cải thiện độ đàn hồi của mạch máu
Khoai lang chứa các axit amin thiết yếu cần thiết cho cơ thể con người. Trong số đó, lysine trong khoai lang giúp duy trì tính đàn hồi của thành mạch máu, ngăn ngừa tắc nghẽn và xơ cứng mạch máu.
Loại củ này chứa protein kết dính và polysaccharides tác dụng giúp cholesterol trong ruột và các chất khác được đào thải ra khỏi cơ thể theo phân, từ đó cải thiện độ đàn hồi của mạch máu và ngăn ngừa xơ cứng động mạch, tốt cho đường tiêu hóa.
Phòng chống ung thư
Trong khoai lang chứa lysine và carotene, tác dụng chống oxy hóa ngăn ngừa gốc tự do, giúp ngăn chặn các chất liên kết với protein trong bệnh ung thư. Carotene trong khoai lang có thể ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, ngăn ngừa các bệnh về đường tiêu hóa và các khối u đại trực tràng.
Ăn khoai lang có nóng không?
Nhiều người cho rằng khoai lang có tính nóng, đặc biệt là khoai lang nướng, ăn nhiều sẽ gây ra nóng trong, nổi mụn. Tuy nhiên, theo y học cổ truyền Trung Quốc, khoai lang có tính bình, tức là không có tính nóng và cũng không có tính hàn (tính lạnh), vị ngọt, tác dụng vào các kinh lá lách, dạ dày, ruột già và thận.
Khi ăn khoai lang, bạn không nên ăn quá nhiều, vì nếu ăn quá nhiều sẽ khiến bạn dễ bị đầy bụng, ợ chua, thúc đẩy quá trình tiết acid dạ dày, từ đó gây ra vấn đề ợ nóng. Cách ăn khoai lang lành mạnh nhất là hấp hoặc luộc, nên ăn cả vỏ khoai lang để nhận được tối đa các giá trị dinh dưỡng mà loại củ này đem lại.