Hàm lượng cholesterol trong máu cao có thể làm tăng nguy cơ mắc tim mạch và đột quỵ. Đây đều là những bệnh có thể đe dọa tính mạng. Vì lý do này, các cơ quan y tế thường xuyên khuyến cáo người dân hãy duy trì nồng độ cholesterol trong máu ở mức khỏe mạnh, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Có nhiều yếu tố khiến một người bị tăng cholesterol trong máu. Ngoài việc ăn các món chất béo chuyển hóa hoặc chất béo bão hòa thì nguyên nhân còn đến từ lối sống ít vận động, hút thuốc, di truyền hay tuổi tác. Ngoài ra, mắc một số vấn đề sức khỏe như bệnh tiểu đường loại 2 hoặc béo phì cũng dễ khiến nồng độ cholesterol trong máu tăng cao.
Duy trì cân nặng khỏe mạnh, tập thể dục thường xuyên và hạn chế uống rượu bia là những cách tốt để giúp bảo vệ bản thân khỏi tình trạng tăng cholesterol máu. Ngoài ra, chế độ ăn uống cũng hết sức quan trọng.
Ăn thực phẩm giàu chất xơ như đậu, yến mạch hay trái bơ có thể giúp giảm cholesterol “xấu” LDL đồng thời tăng cholesterol “tốt” HDL. Tuy nhiên, một điều ít người biết là hành tây cũng có tác dụng này.
Hành tây rất giàu khoáng chất và vitamin. Trong một chén hành tây có 350 mg kali, 74 mg phốt pho, 46 mg canxi và 23 mg magiê. Không những vậy, hành tây cũng chứa một chất chống ô xy hóa mạnh thuộc nhóm flavonoid là chất quercetin.
Trong một nghiên cứu kéo dài 8 tuần được công bố trên chuyên san Plant Foods for Human Nutrition, các nhà nghiên cứu phát hiện uống nước ép hành tây giàu quercetin đã làm giảm đáng kể mức cholesterol “xấu” LDL ở những bệnh nhân có nồng độ cholesterol cao.
Không những vậy, một nghiên cứu trên chuyên san Food Science & Nutrition còn phát hiện thêm những lợi ích khác của hành tây. Nhóm tác giả đã phân tích 10 nghiên cứu lâm sàng khác nhau và phát hiện ăn hành tây không chỉ giúp giảm cholesterol xấu, tăng mức cholesterol tốt mà còn điều chỉnh mức cholesterol toàn phần.
Có nhiều cách để thêm hành tây vào món ăn hằng ngày, từ món súp, hầm, bánh mì đến rau trộn. Những người lo lắng về mức cholesterol trong máu thì cần kiểm tra sức khỏe định kỳ và tham khảo ý kiến bác sĩ để có cách kiểm soát cholesterol hiệu quả, theo Healthline.