Theo Trưởng phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) An Giang Nguyễn Văn Đạt, những năm gần đây, tình hình mua bán, lừa đảo người lao động đi làm việc nước ngoài ngày càng phức tạp. An Giang có gần 100km đường biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia. Do vậy, các loại tội phạm về ma túy, mại dâm, tội phạm mua bán người và tệ nạn xã hội ngấm ngầm hoạt động tại khu vực giáp biên của 2 nước. Trong năm 2022, cụm từ “việc nhẹ lương cao” là nỗi ám ảnh của 73 lao động được giải cứu, đưa trở về Việt Nam.
Tiếp nhận số lượng nạn nhân lớn trong thời gian ngắn, trong khi cán bộ tiếp nhận chưa được đào tạo về kỹ năng chuyên sâu, nên một số hạn chế đã được nhìn ra. Do vậy, ngay khi có điều kiện, nhận sự hỗ trợ từ Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), Tổ chức FHI 360, Sở LĐ-TB&XH An Giang nhanh chóng tập huấn nâng cao kỹ năng, cập nhật kiến thức cho cán bộ làm công tác tiếp nhận tại địa phương, giúp nạn nhân được củng cố niềm tin, sớm phục hồi sức khỏe và tâm lý để trở về cộng đồng.
Tập huấn cho cán bộ làm công tác tiếp nhận nạn nhân bị mua bán người
Trong 2 ngày, 26 cán bộ ngành LĐ-TB&XH, hội liên hiệp phụ nữ cấp huyện được phổ biến, hướng dẫn khái niệm mua bán người và nạn nhân bị mua bán; nguyên nhân của mua bán người; nhóm có nguy cơ bị mua bán; một số lưu ý, nguyên tắc khi làm việc với nạn nhân; hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân, quản lý hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng…
Các học viên đã được hướng dẫn lập kế hoạch chuẩn bị tiếp nhận nạn nhân. Đây là bước quan trọng nhất, giúp cho buổi tiếp xúc, làm việc với nạn nhân hiệu quả, đảm bảo nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm. Khi lập kế hoạch, cần xác định ai sẽ tiếp xúc, phỏng vấn, ai hỗ trợ (người quan sát, người giám hộ, người đại diện tổ chức đoàn thể xã hội, phiên dịch), nghiên cứu tài liệu, xác định mục tiêu của buổi tiếp xúc, phỏng vấn, đặc điểm của nạn nhân để có sự chuẩn bị phù hợp. Về công tác chuẩn bị, cần đảm bảo một số nhu cầu thiết yếu (thức ăn, quần áo) trước khi tiếp xúc với nạn nhân; chọn địa điểm làm việc an toàn và thoải mái.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà (Trưởng nhóm Quản lý ca, Tổ chức Hagar quốc tế, một trong những giáo viên hướng dẫn) cho biết: “Phải xác định đặc điểm của nạn nhân về độ tuổi, giới tính, dân tộc, tôn giáo, quan hệ gia đình, tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần, tình trạng khuyết tật… để lựa chọn người tiếp xúc phù hợp. Thực tế tiếp nhận, đã có nạn nhân nữ hoảng loạn khi tiếp xúc, nhận bánh mì, nước suối từ nam cán bộ tiếp nhận. Nguyên do nạn nhân bị xâm hại, bóc lột tình dục thời gian dài trước khi được giải cứu, nên nảy sinh tâm lý lo sợ người khác giới”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết thêm, điều quan trọng nhất là người tiếp nhận phải kiên trì, chăm sóc y tế ban đầu để nạn nhân được xoa dịu tổn thương thể chất (nếu có), sau là nhẹ nhàng tìm hiểu câu chuyện, tháo gỡ vấn đề tâm lý, động viên giúp nạn nhân vượt qua cảm xúc tiêu cực trước đây, để không phải mang sang chấn tâm lý dài lâu.
Cùng với đó, hỗ trợ hiện vật, giúp đỡ sinh kế, hướng dẫn giáo dục, đào tạo nghề, giúp nơi ở an toàn khi trở về địa phương, duy trì tiếp cận lâu dài với dịch vụ xã hội, tăng kết nối cộng đồng, chuyển tuyến (nếu gia đình không an toàn cho nạn nhân, tránh tình trạng nạn nhân tiếp tục bị mua bán)…
Những kiến thức chuyên sâu, câu chuyện thực tế từ quá trình chăm sóc, tiếp nhận nạn nhân được chia sẻ, hướng dẫn, đặt ra nhiều bài tập tình huống để học viên thực hành. Mong rằng, qua lớp học, học viên có thêm kiến thức, tự tin, sẵn sàng tác nghiệp ngay khi cần, đảm nhận tốt nhiệm vụ hỗ trợ, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về nước.
NGỌC GIANG