40% người lớn suy dinh dưỡng
Cuộc sống hiện đại khiến nhiều người trưởng thành, đặc biệt là các doanh nhân quay cuồng trong công việc, mệt mỏi, ăn kém, ăn không đủ chất… đó là hệ quả khiến cho tình trạng suy dinh dưỡng ở người lớn ngày càng gia tăng.
Từng có nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia có tới 20 – 40% người trung niên và cao niên (40 – 79 tuổi) ở Việt Nam đang suy dinh dưỡng. Thậm chí có nơi tình trạng suy dinh dưỡng người lớn còn ở mức > 40%, đó là chưa kể những người bị ốm đau, bệnh tật.
Nhiều người thấy mình cứ ngày một sụt cân, quần áo tự nhiên rộng ra, các bắp thịt thấy mềm, nhũn không được rắn như trước, trí nhớ giảm sút mà không rõ nguyên nhân, đây chính là do khẩu phần ăn không đáp ứng đủ nhu cầu hàng ngày của cơ thể.
Mặt khác, ở độ tuổi này các bệnh mạn tính kèm theo gây đau mỏi, không muốn ăn, hệ tiêu hóa suy giảm, hấp thu kém…
Các chuyên gia y tế cho biết suy dinh dưỡng người lớn thường gây nên các hậu quả rất nặng nề như trí nhớ giảm sút, ăn khó tiêu, dễ táo bón, phân lúc lỏng lúc rắn, hay đau bụng lặt vặt.
Nếu người cao tuổi đang mắc các bệnh mạn tính hen suyễn, viêm gan, bệnh về xương khớp… thì các bệnh này tăng lên nhanh chóng hơn, thể trạng trở nên dễ bị suy sụp và đặc biệt khi có tác nhân nhiễm khuẩn xâm nhập thì rất khó tránh khỏi mắc bệnh.
Nhiều nguyên nhân gây suy dinh dưỡng trường diễn
ThS Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết gần đây có nhiều thay đổi về chế độ ăn uống và những thói quen ăn uống vì lý do toàn cầu hóa, đô thị hóa và tăng thu nhập, dẫn tới hai thái cực về suy dinh dưỡng (thiếu cân và thừa cân).
Thiếu cân hoặc thừa cân ở người trưởng thành là hai trạng thái đối lập của tình trạng dinh dưỡng, đối lập về mức năng lượng của khẩu phần cung cấp so với mức năng lượng tiêu hao của cơ thể.
Thiếu cân là do không ăn đủ nhu cầu cho cơ thể về năng lượng và các chất dinh dưỡng, mức tiêu hao năng lượng nhiều hơn mức năng lượng ăn vào.
Thừa cân là do ăn quá nhiều năng lượng và các chất dinh dưỡng so với nhu cầu cơ thể, mức năng lượng ăn vào cao hơn năng lượng tiêu hao và lối sống thiếu năng động, ít hoạt động thể lực.
Tuy nhiên, có không ít người ăn nhiều mà không béo có thể do nhiều nguyên nhân cơ địa hoặc các bệnh lý gây nên:
– Kém hấp thu: Kém hấp thu là tình trạng thức ăn được nạp vào cơ thể nhưng dinh dưỡng trong thức ăn không được đường ruột hấp thu hết mà bị đào thải ra ngoài. Điều này khiến cơ thể bị gầy gò, ốm yếu, xanh xao.
Một số bệnh lý hoặc tình trạng có thể dẫn đến kém hấp thu: Chế độ ăn uống thiếu hụt chất dinh dưỡng; Tình trạng dư thừa lớp màng bao phủ niêm mạc ruột; Sự mất cân bằng của hệ vi sinh trong đường ruột;
Các bệnh lý liên quan đến tuyến tụy, gan, túi mật và ống mật; Các bệnh lý của ống tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng, viêm ruột từng vùng, viêm ruột thừa; Dị ứng các loại thức ăn; rối loạn dung nạp đường lactose; Nhiễm ký sinh trùng đường ruột như giun sán, amip…
Lạm dụng quá nhiều rượu hay các thuốc nhuận tràng, thuốc kháng acid; Tình trạng rối loạn tiêu hóa như táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài; Các phương pháp điều trị tiến hành trên ruột: xạ trị, phẫu thuật cắt ngắn đoạn ruột…
– Ăn uống không hợp lý: Ăn nhiều nhưng chưa cung cấp đầy đủ dưỡng chất, ăn uống thất thường, kém khoa học như: không chú ý đến hệ tiêu hóa (hệ tiêu hóa không đủ khỏe mạnh thì cơ thể không thể hấp thu được các chất dinh dưỡng.
Việc chăm sóc hệ tiêu hóa là yếu tố tiên quyết giúp người gầy lên cân và cải thiện hệ miễn dịch); Bỏ bữa sáng dinh dưỡng hoặc ăn quá nhiều trong một bữa khiến hệ tiêu hóa bị quá tải và không thể chuyển hóa các chất dinh dưỡng.
Quá trình chuyển hóa năng lượng cao hơn so với bình thường. Dấu hiệu dễ nhận thấy là da nóng hay nhịp tim đập nhanh hơn. Để quá trình chuyển hóa năng lượng diễn ra bình thường nên bổ sung xen kẽ những thức ăn có tính mát để dung hòa. Hạn chế sử dụng nước ngọt, nước có gas và các chất kích thích như: cà phê, rượu, bia, thuốc lá.
Lạm dụng thuốc tăng cân: Thuốc tăng cân có thể giúp bạn tăng cân nhanh chóng nhưng cân nặng tăng nguyên nhân do tích nước và tích mỡ chứ không làm tăng hệ cơ mà có thể gây ra những rủi ro sức khỏe nếu gặp tác dụng phụ của thuốc.
Lười vận động: Người gầy muốn tăng cân cũng cần luyện tập thể dục thể thao đều đặn để ngoài việc tăng cường sức khỏe, sự dẻo dai còn giúp tăng cường quá trình trao đổi chất bên trong cơ thể. Quá trình trao đổi chất tốt sẽ là yếu tố quyết định đến cân nặng.
Không thanh lọc cơ thể: Khi không được thanh lọc, cơ thể sẽ tích tụ nhiều độc tố. Điều này dẫn đến làm suy giảm quá trình trao đổi chất khiến cơ thể không thể hấp thụ chất dinh dưỡng nên ăn nhiều vẫn ốm.
Phục hồi cân nặng thế nào?
ThS Tiến cho biết có nhiều công thức tính cân nặng có ổn. Ở mức “nên có” áp dụng cho cả nam và nữ: Cân nặng lý tưởng = (chiều cao (cm) – 100) x 0,9. Ví dụ: 1 người cao 1,63m (163cm), áp dụng vào công thức tính như sau: Cân nặng lý tưởng = (163 – 100 ) x 0,9 = 56,7kg.
Hoặc tính theo chỉ số khối cơ thể BMI được Tổ chức Y tế thế giới khuyên dùng:
Với người Việt Nam thì BMI từ 18,5 – 22,9: là bình thường; BMI ≥ 23: là thừa cân; BMI > 25: là béo phì. Chế độ ăn uống và mức độ hoạt động thể lực chúng ta dựa vào chỉ số BMI. Đối với người thiếu cân (người gầy BMI
Người Việt Nam khi có BMI
Muốn tăng cân để đạt được mức cân nặng “nên có” thì khẩu phần ăn hàng ngày cần cung cấp đủ các chất dinh dưỡng theo nhu cầu cơ thể. Cần ăn thêm cơm hay các thức ăn chứa nhiều tinh bột như xôi, miến, bánh mì và các món xào, rán có thêm dầu mỡ để cung cấp năng lượng.
Để tăng số lượng thức ăn hàng ngày, ngoài ba bữa chính cần ăn thêm các bữa phụ như sữa, bánh ngọt, khoai củ. Nên ăn thêm đều đặn mỗi ngày một hộp sữa chua (120ml) giúp kích thích tiêu hóa, hấp thu tốt các chất dinh dưỡng. kết hợp các hoạt động thể lực vừa phải, hợp lý giúp ăn ngon miệng. Uống đủ nước (nước rau, nước hoa quả hoặc nước đun sôi để nguội).
Để tăng cân với người có cân nặng thấp hay bị gầy/suy dinh dưỡng trường diễn thì cần ăn thêm tinh bột, chất béo và tăng lượng thức ăn hàng ngày, tuy nhiên lượng tăng cũng không nên quá nhiều làm cơ thể khó tiêu hóa, khó hấp thu hết dẫn đến đầy bụng, rối loạn tiêu hóa hoặc chuyển sang xu hướng thừa cân/béo phì.
Ngoài ra cần có chế độ lao động hợp lý, không nên làm việc căng thẳng quá sức, nên dành thời gian nghỉ ngơi thoải mái và ngủ đầy đủ.
Nguồn: https://tuoitre.vn/an-duoc-ngu-duoc-nhung-nguoi-lon-van-gay-om-suy-dinh-duong-la-sao-20240622083533833.htm