Bộ trưởng Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ Rajeev Chandrasekhar đã đưa ra cảnh báo cho các công ty truyền thông xã hội, yêu cầu các công ty chịu trách nhiệm về các nội dung giả mạo bởi công nghệ deepfake trên nền tảng của mình. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của các quy định rõ ràng, minh bạch liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI).
Yêu cầu trên được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ đang chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử năm 2024 nhằm kiểm soát các thông tin sai lệch nói chung và deepfake giả mạo nói riêng để hạn chế tối đa mọi sự can thiệp của AI vào kết quả bầu cử.
Trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times, Bộ trưởng Chandrasekhar cho biết: “Chúng tôi rõ ràng quan ngại sâu sắc về tác động của các thông tin sai lệch, thông tin giả xuyên biên giới gây ra vấn đề cho nền dân chủ của chúng tôi”.
Ông nói thêm: “Chúng tôi đã cảnh báo về điều này sớm hơn hầu hết các quốc gia vì nó tác động tiêu cực đến chúng tôi nhiều hơn so với các quốc gia nhỏ hơn”.
Ông Chandrasekhar nhấn mạnh rằng Ấn Độ đã cảnh giác với những mối nguy hiểm do deepfake gây ra sớm hơn hầu hết các quốc gia, đồng thời thừa nhận tác động đáng kể của thông tin sai lệch đối với nước này.
Lời cảnh báo được đưa ra dành cho các công ty công nghệ đang cung cấp dịch vụ cho một trong những quốc gia sở hữu lượng người dùng Internet lớn nhất thế giới. Theo thống kê, Ấn Độ hiện có 870 triệu người dùng Internet và 600 triệu người dùng mạng xã hội.
Từ khi các công cụ AI tiên tiến ra đời, các nhà nghiên cứu cũng như các nước trên toàn thế giới đã bày tỏ lo ngại về mối đe dọa ngày càng tăng của deepfake, công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra hình ảnh, video và âm thanh giả mạo đầy thuyết phục.
Trước đó vào ngày 26/12/2023, New Delhi đã kêu gọi các nền tảng nhắn tin và truyền thông xã hội khác nhau đang hoạt động ở Ấn Độ (chẳng hạn như YouTube, X, WhatsApp, Telegram, Snapchat và mạng xã hội địa phương Koo) tuân thủ luật pháp Ấn Độ liên quan đến nội dung bất hợp pháp và nêu rõ sự tuân thủ của họ đối với các điều khoản dịch vụ và thỏa thuận người dùng.
Hơn nữa, các quy tắc công nghệ thông tin năm 2021 của Ấn Độ nghiêm cấm nội dung được coi là có hại cho trẻ em, gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia, truyền bá thông tin sai lệch và áp đặt các hạn chế khác đối với quyền tự do ngôn luận.
Ngọc Ánh (theo FT, Firstpost)