Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo thế giới đồng loạt hạ nhiệt sau một thời gian duy trì mức cao. Trong đó gạo 5% tấm của Việt Nam giảm mạnh nhất 19 USD xuống còn 609 USD/tấn, thấp hơn Thái Lan đang ở mức 611 USD/tấn và Pakistan là 612 USD/tấn.
Giảm mạnh nhất là gạo 25% tấm của Việt Nam, mất 20 USD xuống 584 USD/tấn, gạo Pakistan giảm 5 USD còn 570 USD/tấn và gạo Thái Lan giảm 3 USD về mức 561 USD/tấn.
Giá gạo xuất khẩu giảm kéo tại thị trường nội địa giảm khá mạnh. Cụ thể, lúa giảm khoảng hơn 1.000 đồng/kg, về mức bình quân từ 7.300 – 7.500 đồng/kg và 1.300 – 1.400 đồng/kg gạo nguyên liệu giống OM và Đài Thơm khoảng 13.000 đồng/kg.
Tổng cộng chỉ trong khoảng 10 ngày sau Tết Nguyên đán, giá lúa gạo nội địa giảm mạnh khiến nhiều nông dân lo lắng khi đợt thu hoạch lớn nhất ở ĐBSCL mới bắt đầu vào giai đoạn chính vụ.
Ấn Độ áp thuế xuất khẩu gạo đồ vô thời hạn
Trao đổi với Thanh Niên, một số chuyên gia thị trường nhận định: Việc giảm giá này là phản ứng bình thường của thị trường khi Việt Nam vào vụ thu hoạch rộ. Nguyên nhân thứ 2 là gần đây, nông dân Ấn Độ tổ chức nhiều cuộc biểu tình trước kỳ bầu cử nhằm đưa ra các yêu cầu về quyền lợi. Đây là 2 lý do quan trọng khiến nhiều nhà nhập khẩu gạo trì hoãn ký hợp đồng mới, giao dịch trầm lắng.
Tuy nhiên, thông tin đáng chú ý nhất tuần qua là Ấn Độ tiếp tục áp thuế xuất khẩu với gạo đồ, đồng thời mua 35.000 tấn gạo 25% tấm để xuất khẩu theo kênh chính phủ.
Cụ thể, ngày 22.2, Ấn Độ công bố thông tin gia hạn thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ khi chính sách này hết hiệu lực vào cuối tháng 3 tới. Đáng nói, lần gia hạn này không có thời hạn trong khi mỗi năm, Ấn Độ xuất khẩu từ 7 – 8 triệu tấn gạo đồ. Việc gia hạn thuế nhằm đảm bảo an ninh lương thực và chống lạm phát trước kỳ bầu cử sắp tới.
Cùng ngày, Ấn Độ thông báo mời thầu 35.000 tấn gạo trắng 25% tấm (non-basmati) nhằm mục đích phục vụ cho xuất khẩu theo kênh chính phủ mà Ấn Độ cam kết với các đối tác.
Có thể thấy, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia vẫn là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Ấn Độ. Việc mua gạo để xuất khẩu cũng cho thấy Ấn Độ kiên trì với chính sách xuất khẩu qua kênh chính phủ.
Với những dữ kiện trên, khả năng giá lúa gạo sẽ sớm khởi sắc trở lại.
Việt Nam vẫn là tâm điểm thị trường
GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam, nhận xét: Hiện nay, dù giá lúa giảm nhưng vẫn ở mức cao trên 7.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân đảm bảo lợi nhuận trên 30%. Đây là điều lý tưởng với bà con nông dân trồng lúa. “Chúng ta cũng không nên quá kỳ vọng về việc giá lúa lên 9.000 – 10.000 đồng/kg, vì chỉ có tính thời điểm và cục bộ chứ không phải giá thật”- ông Bửu nhấn mạnh.
GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam
Đối với thị trường thế giới, Ấn Độ nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu trong năm nay. Bên cạnh đó, những bất ổn về kinh tế chính trị toàn cầu tiếp tục gia tăng cũng là nguyên nhân khiến giá gạo và lương thực nói chung tiếp tục duy trì mức cao. Ngoài ra là sự tác động của yếu tố thời tiết bất lợi cho gieo trồng.
“Ấn Độ vẫn duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo. Myanmar và Campuchia nguồn cung gạo không đáng kể. Thái Lan bị khô hạn nặng nề. Việt Nam vẫn là tâm điểm thị trường gạo. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá kỳ vọng giá sẽ tăng quá cao vì gạo là mặt hàng lương thực thiết yếu mà các chính phủ đều muốn kềm giá. Giá gạo cũng khó tăng cao khi giá lúa mì cũng đang hạ nhiệt”, GS Bửu khuyến cáo.
Khoảng 300.000 ha lúa đông xuân sớm thu hoạch xong
Ngày 26.2, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết: Đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã thu hoạch được khoảng trên 300.000 ha lúa đông xuân sớm ở các khu vực ven biển có nguy cơ bị ảnh hưởng khô hạn và xâm nhập mặn cao. Chính vì vậy nên đến thời điểm này, có thể nói chúng ta đã cơ bản thành công trong việc né hạn tránh mặn đảm bảo sản xuất và tận dụng cơ hội thị trường. Hiện nay, giá lúa tuy có giảm theo quy luật thị trường nhưng vẫn ở mức cao và đảm bảo lợi nhuận cho bà con nông dân trồng lúa.