Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng nói rằng, ông muốn quốc gia Nam Á trở thành nền kinh tế trị giá 5.000 tỷ USD vào năm 2025. Hiện tại, các chuyên gia tài chính trên khắp thế giới đang chú ý đến sự phát triển của đất nước này.
Người đi bộ đi ngang qua tòa nhà Sở giao dịch chứng khoán Bombay ở Mumbai, Ấn Độ. (Nguồn: Getty Images) |
Sự lạc quan ở quốc gia đông dân nhất thế giới hoàn toàn trái ngược với Trung Quốc, nơi đang phải đối mặt với vô số thách thức kinh tế.
Thị trường chứng khoán của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã phải chịu sự sụt giảm kéo dài kể từ mức đỉnh gần đây vào năm 2021. Khoảng 5.000 tỷ USD giá trị thị trường đã bị xóa sổ khỏi các sàn giao dịch Thượng Hải, Thâm Quyến và Hong Kong (Trung Quốc). Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh trong năm ngoái.
Niềm tin ở thị trường chứng khoán
Trong khi đó, tại Ấn Độ, thị trường chứng khoán đang đạt mức cao kỷ lục. Giá trị của các công ty niêm yết trên các sàn giao dịch của đất nước Nam Á đã vượt qua 4.000 tỷ USD vào cuối năm ngoái.
Tương lai thậm chí còn có vẻ tươi sáng hơn.
Báo cáo của Ngân hàng Đầu tư Jefferies cho biết, giá trị thị trường của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi lên 10.000 tỷ USD vào năm 2030, điều này khiến các nhà đầu tư lớn trên thế giới khó có thể bỏ qua.
Peeyush Mittal, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Matthews Asia, một quỹ đầu tư có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) nhận định, không có quốc gia nào có thể thay thế được Trung Quốc ngoài Ấn Độ. Dưới hình thức nào đó, đây là sự thay thế mà có lẽ thế giới đang tìm kiếm để thúc đẩy tăng trưởng.
Nhật Bản đã được hưởng lợi từ việc các nhà đầu tư đang tìm kiếm giải pháp thay thế cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuần trước, thị trường chứng khoán Nhật Bản lần đầu tiên đạt mức cao mới sau 34 năm vào nhờ lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện và đồng Yen yếu.
Nhưng đất nước này đang mắc kẹt trong suy thoái và gần đây đã mất vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào tay Đức.
Động lực tăng trưởng toàn cầu
Có nhiều lý do chính đáng để tin vào đà tăng trưởng khởi sắc của nền kinh tế Ấn Độ. Từ dân số trẻ đến năng suất sản xuất của các nhà máy, đất nước này có rất nhiều điều thuận lợi.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự kiến, Ấn Độ sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm tài chính 2024, so với mức 4,6% của Trung Quốc.
Các nhà phân tích tại Jefferies cũng đặt kỳ vọng, nước này sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2027.
Giống như Trung Quốc hơn ba thập niên trước, đất nước Nam Á đang bắt đầu nâng cấp cơ sở hạ tầng khi chi hàng tỷ USD để xây dựng đường sá, bến cảng, sân bay và đường sắt.
Aditya Suresh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vốn cổ phần Ấn Độ tại Macquarie Capital nhận thấy, có “hiệu ứng cấp số nhân rất mạnh” đối với nền kinh tế Ấn Độ.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp toàn cầu muốn đa dạng hóa hoạt động khỏi Trung Quốc, ông Hubert de Barochez, nhà kinh tế thị trường tại Capital Economics cho rằng, New Delhi là ứng cử viên hàng đầu để được hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng này.
Thực tế cho thấy, một số công ty lớn nhất thế giới như nhà cung cấp Foxconn của Apple đang mở rộng hoạt động tại Ấn Độ. Tháng 6/2023, Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk cho biết, công ty đang tìm cách đầu tư vào Ấn Độ “càng sớm càng tốt”.
Tăng trưởng bền vững
Trong khi sự quan tâm đến nền kinh tế lớn thứ năm thế giới đang tăng lên thì giá cổ phiếu cao ngất ngưởng trên sàn giao dịch chứng khoán Ấn Độ đang khiến một số nhà đầu tư quốc tế sợ hãi.
Thêm vào đó, thách thức tiềm tàng mà giới chuyên gia nhận thấy là Ấn Độ không có khả năng hấp thụ toàn bộ số tiền đang chảy ra khỏi Trung Quốc.
Tuy nhiên, New Delhi có mối quan hệ lành mạnh với phương Tây và các nền kinh tế lớn khác. Đất nước Nam Á đang tích cực thu hút các công ty lớn thành lập nhà máy ở nước này.
Trong bài phát biểu về ngân sách mới đây, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết, dòng vốn FDI kể từ khi ông Modi lần đầu tiên lên nắm quyền vào năm 2014 đã ở mức gần 600 tỷ USD, gấp đôi so với thập niên trước.
“Để khuyến khích đầu tư nước ngoài bền vững, chúng tôi đang đàm phán các hiệp định đầu tư song phương với các đối tác nước ngoài”, Bà Nirmala Sitharaman nói thêm.
Lịch sử đã chứng minh, kinh tế Ấn Độ tăng trưởng tương đối bền vững. Từ năm 2004 đến năm 2010, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đạt trung bình 7,2%. Trong hai năm 2022, 2023 – thời điểm khó khăn của toàn cầu – đất nước vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng.
Điều đó phần nào củng có nhận định của các chuyên gia trên trang CNN: “Thật khó để ngăn chặn sức mạnh kinh tế mà Ấn Độ đã khởi động”.