Theo nguồn tin của tờ Economic Times, sau khi giành một ghế trong nhóm Sáng kiến Đối tác an ninh khoáng sản (MSP) do Mỹ dẫn đầu, Ấn Độ đã được mời tham gia Câu lạc bộ Vật liệu hiếm do Liên minh châu Âu (EU) thành lập.
Ấn Độ được cho là sẵn sàng tham gia Câu lạc bộ Vật liệu hiếm do EU thành lập. (Nguồn: Reuters) |
Các cuộc thảo luận sơ bộ về vấn đề này đã bắt đầu và Ấn Độ được cho là sẵn sàng tham gia.
Câu lạc bộ Vật liệu hiếm dự kiến sẽ tập hợp các đối tác có cùng chí hướng để tăng cường chuỗi cung ứng cho “các vật liệu hiếm” liên quan đến công nghệ xanh nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và tập hợp các nguồn lực để tự lực trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Đây là một lĩnh vực ưu tiên của cả Mỹ, hầu hết các nước châu Âu và Ấn Độ.
Ở trong nước, Ấn Độ đang bắt đầu khai thác đất hiếm. Với Đạo luật sửa đổi về Mỏ và khoáng sản năm 2023 được Quốc hội thông qua mới đây, chính phủ đã sẵn sàng công bố đợt đấu giá đầu tiên cho các khối khoáng sản hiếm.
Theo Economic Times, nhóm khoáng sản hiếm đầu tiên được xác định để thăm dò và chế biến ở Ấn Độ là lithium, than chì và kali.
Để đáp ứng nhu cầu lithium, khoáng chất quan trọng được sử dụng nhiều trong pin, Ấn Độ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc.
Than chì, một vật liệu quan trọng không kém đối với quá trình chuyển đổi năng lượng, cũng đã được Ấn Độ xác định là có trữ lượng ở bang Arunachal và sẽ ưu tiên bán đấu giá những mỏ này.
Kali là một loại khoáng sản khác mà Ấn Độ muốn tăng khả năng khai thác vì nước này phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu nguyên liệu đầu vào quan trọng này cho ngành phân bón.