Bên cạnh mối liên kết lịch sử và văn hóa chặt chẽ, Trung Á còn có giá trị chiến lược và kinh tế to lớn với chính quyền New Delhi.
Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval (thứ hai từ trái) cùng các người đồng cấp Trung Á tại cuộc họp ngày 17/10 tại Astana, Kazakhstan (Nguồn: ANI) |
Cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ SD Pradhan chia sẻ nhận định trên trong bài viết mới đây đăng trên báo Times of India.
Thủ tướng Narendra Modi từng tuyên bố, Trung Á nằm trong vùng “láng giềng mở rộng” của Ấn Độ. Năm 2015, ông đã đến thăm tất cả năm quốc gia ở khu vực. Ngay sau đó, New Delhi đưa ra chính sách “Kết nối Trung Á”, một cách tiếp cận rộng rãi với các khía cạnh chính trị, kinh tế, an ninh và văn hóa.
Trao đổi ở ba cấp độ
Hiện Ấn Độ duy trì liên kết đa phương với khu vực Trung Á ở ba cấp độ.
Ở cấp cao nhất, ngày 27/1/2022, Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ – Trung Á đầu tiên diễn ra giữa Thủ tướng Ấn Độ và Tổng thống các nước Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan dưới hình thức trực tuyến. Các bên thông qua một tuyên bố chung toàn diện, hay “Tuyên bố Delhi”. Văn kiện này nêu rõ tầm nhìn về quan hệ đối tác lâu dài và toàn diện giữa Ấn Độ và Trung Á.
Đáng chú ý, các bên đưa ra ba quyết định quan trọng. Về vấn đề Afghanistan, các nhà lãnh đạo nhắc lại sự ủng hộ mạnh mẽ với một Afghanistan hòa bình, an ninh và ổn định với chính phủ mang tính đại diện và toàn diện. Về kết nối, các bên nhất trí sử dụng các dịch vụ tại cảng Chabahar để tạo thuận lợi cho thương mại giữa các quốc gia Trung Á không giáp biển và Ấn Độ.
Các nhà lãnh đạo nhất trí thể chế hóa cơ chế cấp cao qua Hội nghị thượng đỉnh hai năm/lần, tổ chức cuộc họp thường kỳ giữa các bộ trưởng ngoại giao, thương mại, văn hóa và cố vấn an ninh quốc gia (NSA) để chuẩn bị cho các cuộc họp cấp cao và thành lập Ban thư ký Ấn Độ-Trung Á ở New Delhi.
Ở cấp ngoại trưởng, Đối thoại Ấn Độ-Trung Á bắt đầu từ năm 2019 và cuộc họp mới nhất, Đối thoại lần thứ ba diễn ra tại New Delhi vào tháng 12/2021 do Ngoại trưởng S. Jaishankar chủ trì. Đối thoại quyết định tăng cường nỗ lực nhằm phát huy tối đa tiềm năng thương mại giữa hai bên và tận dụng tối ưu Hành lang vận tải Bắc – Nam quốc tế (INSTC).
Ở cấp NSA, các cuộc họp tập trung thảo luận các vấn đề an ninh. Cuộc họp đầu tiên diễn ra vào ngày 10/11/2021, sau khi Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan, dưới sự chủ trì của NSA Ấn Độ Ajit Doval với sự tham dự của người đồng cấp các nước Trung Á, Nga và Iran.
Ngoài ra, Ấn Độ còn thảo luận các vấn đề liên quan đến Trung Á tại Tổ chức Hợp tác Thượng hải (SCO) và các cuộc gặp song phương. Trên cương vị Chủ tịch SCO năm nay, Ấn Độ tập trung vào sự phát triển của Trung Á khi đăng cai Hội nghị thượng đỉnh SCO lần thứ 23 vào ngày 4/7 theo hình thức trực tuyến. Một tháng sau đó, nước này và Kazakhstan đã thảo luận các vấn đề song phương và khu vực tại Đối thoại an ninh lần thứ tư.
Hợp tác an ninh chặt chẽ
Trong bối cảnh trên, cuộc họp NSA Ấn Độ-Trung Á lần thứ hai vào ngày 17/10 tại thủ đô Astana (Kazakhstan) tập trung vào ba khía cạnh chính.
Đầu tiên, hội nghị thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác về an ninh mạng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, đất hiếm và giao lưu nhân dân. NSA Ajit Doval đã đề xuất tổ chức Diễn đàn đất hiếm Ấn Độ-Trung Á để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân. New Delhi đề nghị cung cấp miễn phí công nghệ liên quan đến thanh toán kỹ thuật số, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập hệ thống thanh toán kỹ thuật số thời gian thực, phù hợp với nhu cầu của các nước.
Thứ hai, về kết nối, ông Ajit Doval yêu cầu Trung Á sử dụng cảng Chabahar ở Iran và các bến cảng do một công ty Ấn Độ điều hành cho hoạt động thương mại hàng hải. Theo ông, các sáng kiến kết nối phải có tính minh bạch, tính tham vấn và toàn diện, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước. Ngoài ra, các bên phải tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường và không tạo nợ.
Cuối cùng, ông Ajit Doval nhấn mạnh khủng bố là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế và chủ nghĩa khủng bố không thể được biện minh trên bất kỳ cơ sở nào. Do đó, New Delhi có thể cung cấp chương trình xây dựng năng lực cho các nước Trung Á trong chống khủng bố và buôn bán ma túy.
Trong bối cảnh đó, hội nghị là một bước nữa nhằm cải thiện khả năng kết nối của Ấn Độ với Trung Á. Đề nghị của New Delhi nhằm xây dựng năng lực thanh toán kỹ thuật số và an ninh mạng là kịp thời, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại giữa Ấn Độ và các nước Trung Á. Việc thể chế hóa các mối liên kết với khu vực của Ấn Độ sẽ phải mất một chặng đường dài để mở rộng vị thế chiến lược của nước này trong khu vực.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Pradhan, Ấn Độ cần chú ý đến hai khía cạnh đáng lo ngại. Trước hết, mối đe dọa từ khủng bố đã tăng lên khi các lực lượng cực đoan trong khu vực nhận được sự hỗ trợ từ nhiều phe phái Taliban khác. Bên cạnh đó, sự gia tăng hoạt động quân sự của một số nước láng giềng tại biên giới đang tạo ra trở ngại trong liên kết của Ấn Độ với Trung Á. Trong khi hỗ trợ của Iran và Nga là “vô giá” đối với Ấn Độ vì cả hai đều lo ngại về những diễn biến ở Afghanistan.
Trong khi tính toán kỹ lưỡng những yếu tố này, Ấn Độ cũng cần theo đuổi chính sách “Kết nối Trung Á” mạnh mẽ và tích cực hơn, bằng thực hiện các Dự án Phát triển cộng đồng có tác động cao (HICDP) để phát triển kinh tế xã hội ở Trung Á, góp phần mang lại lợi ích cho các đối tác ở khu vực nói chung cũng như Ấn Độ nói riêng.