Trước khi biết cách ăn thực phẩm chứa chất béo sao cho không bị tăng cân thì điều quan trọng là cần hiểu về chất béo. Không phải mọi loại chất béo đều có hại. Một số chất béo thực sự có thể có lợi cho sức khỏe.
Có 3 loại chất béo chính là chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và chất béo không bão hòa, theo chuyên trang dinh dưỡng và sức khỏe Eat This, Not That! (Mỹ).
Chất béo bão hòa là loại chất béo thường có trong thực phẩm nguồn gốc động vật như thịt, da của bò, heo và một số loại dầu thực vật. Ăn quá nhiều chất béo bão hòa có thể góp phần gây tăng cân và các vấn đề sức khỏe khác như xơ vữa động mạch, đau tim. Tuy nhiên, chúng ta có thể ăn ở mức độ vừa phải.
Trong khi đó, chất béo chuyển hóa lại thường được tìm thấy trong thực phẩm chế biến và chiên xào. Tốt nhất bạn nên hạn chế chất béo chuyển hóa vì chúng có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau.
Chất béo không bão hòa gồm chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa. Chúng được coi là chất béo lành mạnh được tìm thấy trong trái bơ, các loại hạt quả hạch và cá béo. Kết hợp chất béo không bão hòa vào chế độ ăn uống của bạn có thể tác động tích cực đến sức khỏe tổng thể.
Để có thể ăn chất béo mà không gây tăng cân, mọi người cần lưu ý 3 điều sau:
Kiểm soát khẩu phần ăn
Khi nói đến việc thưởng thức đồ ăn có nhiều chất béo thì một trong những điều quan trọng nhất là điều độ. Thay vì tránh hoàn toàn chất béo, chúng ta hãy chỉ ăn những khẩu phần chất béo nhỏ.
Chọn cách chế biến lành mạnh
Khi chế biến các món giàu chất béo, mọi người nên chọn những cách chế biến lành mạnh như luộc, hấp nướng thay vì chiên, xào cần nhiều dầu mỡ. Điều này có thể giúp giảm được chất béo tổng thể trong món ăn trong khi vẫn cho phép bạn thưởng thức hương vị yêu thích.
Kết hợp thực phẩm chất béo với chất xơ
Ăn thực phẩm nhiều chất béo cùng với thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp làm chậm quá báo trình hấp thực chất béo và tạo cảm giác no lâu, giúp ngăn chúng ta ăn quá nhiều.
Chú ý đến chế độ ăn uống tổng thể
Dù bạn có thể thưởng thức các món nhiều chất béo nhưng điều quan trọng là phải đảm bảo chế độ ăn uống cần đủ chất, cân bằng với nhiều trái cây, rau củ, protein nạc và ngũ cốc nguyên hạt. Một điều quan trọng khác là chú ý lượng calo nạp vào mỗi ngày không được dư thừa. Nếu không, lượng calo dư này sẽ được cơ thể chuyển hóa thành mỡ thừa.
Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục thường xuyên có thể giúp bù đắp tác động của việc ăn thực phẩm béo. Vì tập luyện sẽ giúp cơ thể đốt calo và duy trì cân nặng khỏe mạnh, theo Eat This, Not That! (Mỹ).