(CLO) Chiều 8/12, tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Hà Nội diễn ra sự kiện Triển lãm “Âm vọng – từ cửu đỉnh Triều Nguyễn đến sáng tạo đương đại”. Sự kiện trưng bày 81 tác phẩm tranh khắc gỗ được lấy cảm hứng từ hình mẫu 162 bức đúc đồng trên Cửu đỉnh.
Trước đó vào tháng 3/2024, dự án đã ra mắt tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế và thu hút được sự quan tâm của đông đảo các khán giả. Triển lãm lần này ghi dấu nỗ lực nhằm tiếp nối và quảng bá các giá trị văn hoá truyền thống trong bối cảnh hôm nay.
Không chỉ dừng lại với những bức tranh khắc gỗ, triển lãm “Âm vọng – từ cửu đỉnh Triều Nguyễn đến sáng tạo đương đại” còn có sự tham gia của các nghệ nhân gốm sứ Bát Tràng Nguyễn Tiến Đạt, Phùng Tiến Thanh và nhà thiết kế thời trang Nguyễn Thị Ngọc Lan.
Đây cũng là lần đầu tiên, trên chất liệu gốm sứ – đồ gia dụng và đồ thờ, với những màu men lam, men hỏa biến, những hình ảnh từ Cửu đỉnh triều Nguyễn lần nữa được tôn vinh.
Đồng thời, cũng là lần đầu tiên trên các sản phẩm đồ thêu tay truyền thống các hoa văn họa tiết trên Cửu đỉnh đã tạo ra một sắc thái mới. Tất cả sẽ như một bản hòa tấu, đem đến cho công chúng những cách nhìn khác về di sản.
Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS. Trang Thanh Hiền, chủ nhiệm Dự án cho biết: “Có thể nói, triển lãm lần này không dừng lại ở việc chuyển thể hình mẫu của những bức tranh khắc đúc đồng thành những tác phẩm mới trên các chất liệu mới, mà dự án còn hướng đến sự sáng tạo phát triển, tạo nên sự tiếp cận mới đậm giá trị đương đại.
Thay vì xem Cửu đỉnh là một di sản văn hóa gắn với một thời đại đã qua, thông qua nghệ thuật làm tranh khắc gỗ, nghệ thuật gốm sứ và nghệ thuật thuê thùa, những người thực hiện dự án mong muốn “tiếp thị” Cửu đỉnh bằng các hình thức mới, nhằm quảng bá một di sản đặc biệt của lịch sử văn hóa Việt Nam”.
“Đây là lần đầu tiên những họa tiết do vua Minh Mạng yêu cầu các nghệ nhân thực hiện về sản vật của nước Việt. Do vậy, hệ thống hình ảnh biểu tượng này độc lập hoàn toàn với những mẫu thức đã có trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, mà rất nhiều hoạ tiết hoa văn chịu ảnh hưởng từ văn hoá Trung Quốc. Nhưng nếu chỉ là những hình ảnh toạ lạc trên Cửu đỉnh, thì ta phải đến Huế mới có thể thưởng ngoạn chúng. Do đó, tôi và các cộng sự của tôi là sinh viên, hoạ sĩ đã muốn biến chúng thành những bức tranh khắc gỗ, để có thể đem những hình ảnh này đi muôn nơi”, PGS.TS. Trang Thanh Hiền nói thêm.
Cửu đỉnh là một trong những di sản văn hóa đặc biệt của triều Nguyễn, năm 2012 đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng là Bảo vật quốc gia. Đó là chín chiếc đỉnh đồng được vua Minh Mạng cho đúc năm 1835 để làm một biểu tượng về sức mạnh trường tồn của triều đại, về sự hưng thịnh của quốc gia Đại Nam.
Vào tháng 5/2024, những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh triều Nguyễn đã chính thức được UNESCO vinh danh Di sản tư liệu khu vực châu Á -Thái Bình Dương.
Cửu đỉnh được xem là biểu tượng cho sức mạnh của triều đình nhà Nguyễn và là biểu tượng đỉnh cao của văn vật Đại Nam. Sau khi đúc xong vào tháng giêng năm Đinh Dậu (1837), 9 chiếc đỉnh này được thiết trí tại Thế Miếu từ đó đến ngày nay.
Triển lãm “Âm vọng – từ cửu đỉnh Triều Nguyễn đến sáng tạo đương đại” diễn ra từ ngày 08/12 đến 20/12/2024 tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Nhóm tác giả tham gia dự án gồm: họa sĩ, PGS. TS Trang Thanh Hiền, các họa sĩ Trần Mỹ Anh, Vũ Phương Anh, Nguyễn Thu Nga, Trần Quốc Đức, Nguyễn Xuân Huy, Trần Nhật Nhi.
Nguồn: https://www.congluan.vn/am-vong–tu-cuu-dinh-trieu-nguyen-den-sang-tao-duong-dai-post324675.html