Chính sách “Thực phẩm Thái, thực phẩm toàn cầu” đã giúp Thái Lan trở thành nhà xuất khẩu thực phẩm lớn thứ 15 thế giới, với doanh thu hơn 40 tỉ USD/năm.
Ẩm thực là yếu tố góp phần tạo nên chất lượng và thương hiệu du lịch Thái Lan. (Nguồn: Travel Weekly) |
Bắt kịp xu hướng trải nghiệm ẩm thực của du khách, từ lâu, các quốc gia có ngành du lịch phát triển đã hình thành và phát triển nhiều lễ hội văn hóa ẩm thực đặc sắc.
Theo Tổ chức Du lịch thế giới, cơ cấu chi tiêu của du khách trong chuyến du lịch có đến 1/3 chi tiêu cho nhu cầu ẩm thực. Ẩm thực là yếu tố góp phần tạo nên chất lượng và thương hiệu du lịch. Khai thác giá trị văn hóa ẩm thực là một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh du lịch của mỗi quốc gia.
Yếu tố hút du khách
Ẩm thực đa dạng, phong phú là một trong những yếu tố chính thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới tới Thái Lan. Đất nước này là ví dụ điển hình về một quốc gia luôn chú trọng bảo vệ văn hóa ẩm thực và an toàn thực phẩm.
Thái Lan là ví dụ điển hình về một quốc gia luôn chú trọng bảo vệ văn hóa ẩm thực và an toàn thực phẩm. Từ năm 1999, dự án “Clean food good taste” (tạm dịch: Thức ăn sạch, vị ngon) đã được thực hiện và rất thành công. Các cơ sở chế biến thực phẩm đạt tiêu chuẩn sẽ được cấp logo “Clean food good taste”.
Chính phủ Thái Lan cũng phát động “năm an toàn thực phẩm” để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân và các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm quan tâm tới sức khỏe con người.
Theo thống kê, hơn 80% trong tổng số hàng trăm ngàn quầy thực phẩm đường phố Thái Lan đáp ứng được những tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm sau khi khảo sát.
Bên cạnh đó, chính sách “Quyền lực mềm ẩm thực Thái” đặt mục tiêu khiến người dân toàn cầu biết và ưa chuộng ẩm thực Thái Lan, thúc đẩy nhu cầu đối với sản phẩm và dịch vụ ở quốc gia này.
Với các chiến dịch tiếp cận vô cùng hiệu quả kể trên, đất nước đã lồng ghép rất khéo léo trải nghiệm ẩm thực khi du lịch tại đất nước chùa tháp.
Đơn cử như khi du khách đến Thái Lan cũng có thể tham gia các lớp học nấu ăn kiểu Thái, trải nghiệm thêm về văn hóa ẩm thực với chuyến tham quan chợ thực phẩm để hiểu các nguyên liệu địa phương, trước khi học cách nấu chúng tại các trường dạy nấu ăn.
Bên cạnh đó, đất nước cũng có những nhà hàng mang đến trải nghiệm thực sự từ trang trại đến bàn ăn, bằng cách phục vụ các bữa ăn sử dụng nhiều loại rau, dưa, trái cây không có hóa chất được trồng ngay tại trang trại…
Tại Bangkok, chuyến du thuyền trên sông buổi tối kéo dài 2 giờ với Alangka Cruise sẽ phục vụ tiệc tự chọn quốc tế (bao gồm cả hải sản) trong bữa tối 3 món dưới ánh nến, kèm theo màn trình diễn múa cổ điển truyền thống của Thái Lan trong khi ngắm cảnh tuyệt vời của những ngôi đền nổi tiếng của Bangkok và Grand Palace vào ban đêm trên dòng sông.
Một quầy hàng rong bán đồ ăn nhanh tại Thái Lan. (Nguồn: Agoda) |
Phát huy “sức mạnh mềm”
Hiện tại, Thái Lan miễn visa cho 64 quốc gia và vùng lãnh thổ – con số này không nhiều so với Indonesia (169), Malaysia (162), Singapore (162), Philippines (157). Dù vậy, lượng khách quốc tế đến Thái Lan và chi tiêu vẫn luôn ở top đầu thế giới.
Điều đó chứng tỏ năng lực “móc hầu bao” khách du lịch của người Thái Lan là rất đáng nể. Trong số đó, phần lớn chi tiêu là dành cho việc ăn uống tại các nhà hàng. Có tới 35 nhà hàng tại đất nước chùa vàng được trao sao Michelin vào năm 2023.
Ông Yuthasak – Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) cho hay, ẩm thực được coi là một khía cạnh của “sức mạnh mềm” để kích thích chi tiêu du lịch và giúp tăng xuất khẩu nguyên liệu địa phương, vì Thái Lan nằm trong số 15 nhà xuất khẩu nguyên liệu chính hàng đầu trên thế giới.
Ông Yuthasa nêu rõ, chiến lược của TAT là thu hút khách du lịch khám phá các điểm đến trong khu vực và địa phương thông qua nhiều món ăn.
TAT đặt mục tiêu doanh thu du lịch là 2.300 tỷ Baht (65,4 tỷ USD) trong năm nay. Trong đó, lĩnh vực ăn uống đóng góp khoảng 20% tổng doanh thu. Đến năm 2027, cơ quan này kỳ vọng chi tiêu cho ăn uống sẽ tạo ra ít nhất 25% tổng tiêu dùng của khách du lịch.
Để hoàn thành mục tiêu này, theo ông Tanes Petsuwan, Phó Tổng cục trưởng TAT phụ trách khu vực châu Á và Nam Thái Bình Dương, cơ quan này đang nghiên cứu các kế hoạch quảng cáo mới cho tài khóa tiếp theo và dự kiến sẽ hoàn thiện đề xuất với chính phủ mới vào tháng tới. Các chiến lược chính nhằm thúc đẩy du lịch có giá trị cao, du lịch có ý nghĩa và tính bền vững.
Đăc biệt, nhà chức trách Thái Lan đang phối hợp với các đối tác như các hãng hàng không, đại lý du lịch, các công viên chủ đề, nhà hàng, khách sạn để tiếp thị, xúc tiến, quảng bá du lịch.
Theo đó, tập trung quảng bá các lĩnh vực 5F: Food (Ẩm thực), Festival (Lễ hội), Fashion (Thời trang), Film (Phim) và Fight (Võ thuật).
Cơ quan phát triển kinh doanh (DBD) của Thái Lan cũng đang lên ý tưởng xây dựng kế hoạch dùng xe tải bán đồ ăn trên đường phố để kích cầu du lịch nhằm thu hút thêm khách quốc tế.
Theo nguồn tin của trang The Nation (Thái Lan): “Xe tải bán đồ ăn nhanh có thể khuyến khích du khách tới Thái Lan chỉ để thưởng thức những món đồ ăn hoặc thức uống mà không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới!”