Nghe hoặc tạo ra âm thanh bằng nhạc cụ, ca hát hay chuyển động theo tiết tấu giúp người bệnh bại não rèn luyện trí não, cải thiện dáng đi.
Bại não là tổn thương mạn tính ở một hoặc nhiều khu vực cụ thể của não ảnh hưởng đến chuyển động cơ thể và sự phối hợp của cơ, thường xảy ra trong quá trình phát triển bào thai, khi vừa sinh ra hoặc trong giai đoạn thơ ấu cho đến 5 tuổi. Tổn thương các vùng vận động trong não làm gián đoạn khả năng kiểm soát chuyển động và tư thế của cơ thể.
Bản thân bệnh bại não không phát triển (tức tổn thương não không trở nên trầm trọng hơn). Tuy nhiên, các tình trạng thứ phát, chẳng hạn như co cứng cơ, gồm những bất thường về vận động, giác quan, tâm trí, hành vi, có thể thuyên giảm hoặc trầm trọng hơn theo thời gian.
Theo số liệu năm 2023 của Liên minh Nghiên cứu bệnh bại não (Cerebral Palsy Alliance Research Foundation), thế giới hiện có khoảng 17 triệu người bại não. Tại Mỹ, tỷ lệ trẻ bại não là 1/345. Tại Việt Nam, PGS.TS Nghiêm Hữu Thành, Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương, dẫn số liệu năm 2012 ghi nhận trung bình mỗi năm có khoảng 200.000 trẻ em bị bại não.
Trẻ bại não là gánh nặng cho gia đình, vì ngoài việc bệnh để lại những khiếm khuyết trong suốt cuộc đời bệnh nhân còn cần sự hy sinh rất lớn từ gia đình về thời gian, công sức và tiền bạc. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ báo cáo chi phí điều trị y tế và chăm sóc cho một trẻ mắc bệnh bại não cao hơn 10 lần so với trẻ không mắc bệnh. Còn số liệu được điều chỉnh năm 2023 của CDC, chi phí để chăm sóc cả đời cho một trẻ bại não khoảng 1,6 triệu USD.
Ngày nay, các chuyên gia y tế cho rằng liệu pháp âm nhạc không dựa vào giao tiếp bằng lời nói, vì vậy có thể hữu ích cho những người gặp khó khăn trong cách giao tiếp này, chẳng hạn người bại não. Liệu pháp này có thể thực hiện trực tiếp tại nhà, với những bệnh nhân không thể ra khỏi giường hoặc đến gặp bác sĩ. Liệu pháp này cũng giúp ích cho những đứa trẻ muốn ở một môi trường quen thuộc trong suốt quá trình trị liệu.
Việc sử dụng âm nhạc để trị liệu và chữa bệnh đã có từ thời Hy Lạp cổ đại. Tuy nhiên, xu hướng sử dụng âm nhạc trị liệu ngày nay chỉ bắt đầu từ thế kỷ 20, sau khi thế chiến thứ hai kết thúc. Những năm 1800, nghiên cứu y học về bản chất trị liệu của âm nhạc phát triển và đến những năm 1940, các trường đại học cung cấp những chương trình trị liệu bằng âm nhạc, theo Medical News Today.
Cách âm nhạc tác động đến não bộ rất phức tạp. Tất cả khía cạnh của âm nhạc, bao gồm cao độ, nhịp độ và giai điệu, đều được xử lý bởi các vùng khác nhau của não. Liệu pháp này nhằm tận dụng những phản ứng thể chất sâu sắc của cơ thể đối với âm nhạc để giúp đỡ người có vấn đề sức khỏe tâm thần.
Nhiều nghiên cứu cho thấy âm nhạc có thể làm giảm cảm giác lo lắng, kể cả ở người mắc bệnh ung thư, đang trải qua phẫu thuật hay trị liệu đặc biệt. Âm nhạc cũng giúp người bệnh trầm cảm cải thiện triệu chứng, giải phóng dopamine – hormone giúp con người cảm thấy dễ chịu, và endorphin – hormone có thể tạo ra tâm trạng vui vẻ và giảm đau.
10 năm làm việc trong ngành tham vấn tâm lý, tiến sĩ Phương Anh, Viện nghiên cứu NewZealand, người sáng lập Treelinks – Dự án Cây và Sách vỗ về tâm trí, cho biết âm nhạc giúp con người học cách đối diện và hóa giải cảm xúc tiêu cực.
Những bản nhạc buồn được sử dụng rất nhiều trong loại hình trị liệu này. Khi một người đang bị chìm đắm trong nỗi buồn và dần mất kiểm soát cảm xúc, nếu được nghe một bản nhạc buồn phù hợp với tâm trạng và tình huống của bản thân sẽ kiểm soát cảm xúc hiệu quả và vượt qua được nỗi buồn ấy. “Có thể nói âm nhạc thực sự là phương thức trị liệu rẻ nhất để chữa lành các vết thương tâm hồn”, tiến sĩ Phương Anh nói.
Theo Forbes, có bốn phương pháp trị liệu âm nhạc chính gồm nghe, cải tiến, tái tạo (biểu diễn) và sáng tác. Mỗi phương pháp có nhiều biến thể và thường được biết đến với năm biến thể gồm liệu pháp âm nhạc ngẫu hứng, phân tích, hành vi, thần kinh và hình ảnh hướng dẫn phương pháp Bonny.
Trong đó, liệu pháp âm nhạc thần kinh đề cập đến việc sử dụng trải nghiệm âm nhạc theo các giao thức và kỹ thuật cụ thể để thay đổi phản ứng của cơ thể. Việc tập trung vào các khía cạnh cụ thể của âm nhạc, chẳng hạn nhịp điệu, nhịp độ và giai điệu, giúp người bệnh rèn luyện lời nói, nhận thức và chuyển động bằng cách xây dựng các kết nối mới hoặc các đường thần kinh trong não, từ đó cải thiện chức năng ổn định hơn.
Còn USA Today dẫn một phân tích tổng hợp của 14 nghiên cứu, cho rằng liệu pháp âm nhạc thần kinh được chứng minh giúp rèn luyện trí não, cải thiện dáng đi của những người mắc bệnh đa xơ cứng, Parkinson, đột quỵ và bại não. Ở những người bị bại não, kích thích thính giác giúp cải thiện tốc độ dáng đi và tư thế.
Những kỹ năng mà một người học được trong liệu pháp âm nhạc cũng có thể hữu ích trong cuộc sống hàng ngày. Người bệnh có thể coi việc học một nhạc cụ như một sở thích mới. Đồng thời, họ có thể sử dụng như một công cụ để cải thiện sức khỏe tinh thần và đối phó với những tình huống khó khăn trong suốt cuộc đời.
Ngoài tác dụng cải thiện tình trạng sức khỏe tâm thần, liệu pháp âm nhạc còn mang lại nhiều lợi ích khác, chẳng hạn cơ hội sáng tạo, mở rộng kiến thức và nhận thức về văn hóa cũng như cải thiện trí nhớ.
Mỹ Ý