.Phóng viên: Hiện nay, nhạc sĩ Hoài An đang thực hiện dự án nào? Kế hoạch đưa những sáng tác sử Việt của anh vào học đường thực hiện ra sao?
Nhạc sĩ Hoài An (Ảnh do nhân vật cung cấp)
– Nhạc sĩ HOÀI AN: Tôi đang cùng lúc làm nhiều chương trình: album “Hồn Việt” về sử ca, truyền thuyết; album tổng hợp các bài xuân (bài cũ và mới); album “Tóc mây” gồm 27 bản tình ca tôi viết trong hai tháng 9 và 10- 2023. Có lẽ tôi đang “quá tải” với những chương trình này nhưng tôi hạnh phúc vì điều đó.
Trường ca “Truyền thuyết Cổ Loa” tôi viết 2001, đến nay đã 22 năm, nên “Hồn Việt” là dự án lâu dài và khó khăn nhất tôi từng làm. Sau khi ra mắt album, tôi muốn mang chương trình đi biểu diễn phục vụ học sinh, sinh viên. Dù còn nhiều khó khăn nhưng tôi nghĩ sẽ làm được.
.Nhìn lại quá trình lao động sáng tác, anh hài lòng điều gì?
– Tôi luôn hết lòng với công việc, tôi viết hầu hết các thể loại: blues, pop-rock, dân gian đương đại, âm hưởng dân ca… Các nhóm chủ đề nội dung cũng nhiều: tình ca, sử ca, quê hương đất nước, nhạc sinh hoạt cộng đồng cho thanh niên, nhạc thiếu nhi… Từ hơn mười năm nay, tôi chủ động viết ít lại và mở rộng chủ đề sáng tác ra khỏi “vùng an toàn” là tình ca.
.Phổ thơ đối với anh có là một điều khó? Vì sao anh thích phổ thơ của Lâm Xuân Thi?
– Tôi không nghĩ phổ thơ là việc khó, chủ yếu là chọn được bài thơ mà nhạc sĩ có cảm hứng. Tôi thích thơ của nhà thơ Lâm Xuân Thi vì thơ của anh ấy luôn có những bất ngờ thú vị, câu từ hình ảnh phong cách rất riêng. Cá nhân tôi cũng rất thoải mái khi phổ thơ, kiểu như tôi đọc thoáng qua nếu “bắt” được nhạc tính trong bài thơ tôi sẽ viết phần nhạc ngay. Thường tôi hoàn thành trong khoảng 30 phút vì lời bài hát (thơ) đã có sẵn. Tôi không ép bản thân nên sẽ bỏ qua bài thơ nếu như chưa đủ cảm hứng.
.Nhận định của anh về đời sống âm nhạc hôm nay? Để không bị lỗi thời anh làm gì để có thể sáng tác?
– Cuộc sống ngày càng vội vã, công nghệ giải trí và các công cụ phát triển nhanh, mạnh theo nhiều hướng. Các bạn trẻ bây giờ có điều kiện tốt hơn chúng tôi ngày xưa, song lợi – hại tùy thuộc vào cách mỗi người tiếp nhận vấn đề đó như thế nào. Quá trình làm giám đốc âm nhạc cho các cuộc thi hát, game show trên VTV, HTV, THVL… giúp tôi có điều kiện tiếp cận những gì mới nhất, nóng nhất của thị trường và đó cũng là cách để tôi cập nhật kiến thức cho bản thân.
.Bao giờ anh sẽ thực hiện một chương trình live show của riêng mình?
– Tôi thích câu hỏi này quá! Nếu để “an toàn” thì live show kiểu “Top Hits Hoài An – 32 năm” sẽ dễ làm nhất: lực lượng ca sĩ hùng hậu, bài quen thuộc… Nhưng thật sự tôi mong có thêm hai chương trình live: “Hồn Việt” và “Tóc Mây” – 27 khúc tình ca toàn bài mới. Tôi hy vọng năm 2024 sẽ có đủ điều kiện để thực hiện.
.Điều anh trăn trở hiện nay về hiện trạng sáng tác và để những ca khúc đi vào đời sống một cách thuyết phục?
– Có nhiều ca khúc mới mẻ từ cách viết đến cách dàn dựng là điều tôi rất thích. Các bạn trẻ viết phóng khoáng nên nhiều bài nghe rất đã, có bài chỉ dùng 2 hợp âm, viết 3 đoạn và quan trọng nhất là nghe rất hay. Bên cạnh những bài rất tốt thì còn một số bài nội dung cần xem lại về ca từ, hoặc cách dàn dựng nên ca sĩ hát tiếng Việt mà phát âm không rõ lời. Nhưng đây lại là một xu hướng trong cách hát của các bạn trẻ. Tôi mong là các bạn mở rộng chủ đề sáng tác hơn, tôi nghĩ các bạn trẻ có thừa tài năng và điều kiện để viết, sản xuất, công bố tác phẩm mới.
.Nhìn lại quá trình của mình anh có ngại đối diện với thất bại?
– Cuộc đời đôi khi hạnh phúc đi liền với đau khổ, nên thành công đi liền thất bại là chuyện thường tình. Còn việc mình đứng lên được hay không, đối diện vấn đề bằng cách nào, đi tiếp ra sao mới thật sự quan trọng.
Nhạc sĩ Hoài An (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Có thể nói về công việc tôi rất may mắn, được nhiều đồng nghiệp (vai chú, vai anh, bạn bè…) hỗ trợ giúp đỡ. Còn về cuộc sống riêng thì không như ý nên có thể xem là thất bại. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, đời nghệ sĩ (sáng tác) mà bằng phẳng quá thì đôi khi lại khó, vì người nghe thường nhớ ca khúc buồn hơn là những bài vui, thôi đành lấy điểm này tự an ủi mình.
.Vì sao anh thích học nhạc cụ dân tộc?
– Năm 1992, khi bắt đầu sáng tác, tôi là một guitarist nên đến nay tôi vẫn mê đàn. Gần đây tôi xin học các thầy bên nhạc cụ cổ truyền và tự học thêm mỗi khi có thời gian. Tôi tập đàn nguyệt và tỳ bà trước do cùng kiểu nhạc cụ dây như guitar, bên cạnh đó tôi cũng mê đàn tranh, đàn nhị. Học nhạc cụ dân tộc vừa giúp tôi thư giãn với âm nhạc, hiểu biết thêm về âm nhạc truyền thống, rất có lợi ở góc độ sáng tác hay biểu diễn nhạc cụ.
.Để sáng tác ca khúc sử Việt, anh tìm chất liệu từ đâu?
– Ba tôi (nhà giáo Võ Đại Mau) truyền cảm hứng cho tôi về “yêu sử Việt”. Ba là người khuyến khích tôi không chỉ viết một vài bài, mà làm hẳn một chuỗi các sáng tác. Lúc tôi còn học lớp 4, nhà không có gì ngoài sách, truyện. Tuổi thơ của tôi đọc nhiều tác phẩm lớn của Nga, Anh, Pháp… Từ lớp 10 tôi mới đọc nhiều tác phẩm nổi tiếng của văn học Việt Nam. Đọc nhiều nên tôi hiểu sức mạnh của ngôn từ.
Tôi nghĩ, muốn các thế hệ sau hiểu sử, nhớ sử, âm nhạc là con đường tắt mà tôi có thể đóng góp một phần nhỏ. Vì làm phim truyền hình, điện ảnh… cần kinh phí đầu tư rất lớn trong khi âm nhạc (đặc biệt là mảng ca khúc) dễ biểu diễn và truyền cảm hứng. Thế nên tôi sưu tầm nhiều bộ sách sử, cả xưa và nay.
Kết quả sau 22 năm tôi có nhiều bài về sử và truyền thuyết như: “Công ơn Hùng Vương”, “Truyền thuyết Cổ Loa”, “Tiếng trống Mê Linh”, “Ngọn cờ lau”, “Lý Triều danh tướng”, “Hào khí Thăng Long – Tinh thần Đông A – Bạch Đằng Giang – Đức Thánh Trần” (chùm ca khúc về nhà Trần), “Hoàng đế áo vải”, “Cổ tích Thạch Sanh”, “Bánh chưng bánh giầy”, “Sơn Tinh – Thủy Tinh”, “Trương Chi – Mỵ Nương”…
“Nếu muốn “đánh” ca khúc nổi lên, chỉ cần quảng bá mạnh, truyền thông đúng cách thì khả năng thành “bài hit” rất cao. Nhưng nổi nhanh cũng sẽ chìm, nhiều bài chỉ nổi vài tháng rồi mất hút.
Sáng tác đầu tiên của nhạc sĩ Hoài An là “Nhớ Trưng Vương” khi anh mới học lớp 10. Bài hát được đăng trên Báo Mực Tím, trở thành nguồn động lực để Hoài An dấn thân làm nhạc sĩ. Năm 1998, nhiều người biết đến tên tuổi của nhạc sĩ Hoài An qua những ca khúc như “Tình thơ”, “Nếu phôi pha ngày mai”… Một thời nhóm nhạc KTX của nhạc sĩ Hoài An đã được đông đảo công chúng yêu mến. Hiện nay, dù không còn trẻ nhưng tâm hồn anh vẫn luôn đau đáu việc sáng tác dành cho giới trẻ, đó là những bài hát có nội dung về công cuộc gìn giữ, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Không chỉ tạo dấu ấn với các ca khúc hit ở nhiều thể loại, nhạc sĩ Hoài An vừa ra mắt ấn phẩm gồm nhiều sáng tác đặc biệt lấy cảm hứng từ tâm huyết và cống hiến của các y – bác sĩ, nhân viên y tế cho người bệnh và xã hội với những ca khúc đầy cảm xúc như “Áo trắng – Áo xanh”, “Hạnh phúc từ tâm”, “Vươn tầm khát vọng”…
Nguồn: https://nld.com.vn/van-nghe/am-nhac-la-duong-tat-de-the-he-sau-nho-su-viet-20231118203110758.htm