Sở dĩ gọi đó là những nghệ sĩ đặc biệt vì theo chia sẻ của ca sĩ Hà Ny của Hợp xướng Đa Dạng bởi phần lớn không có chuyên môn về âm nhạc.
“Chỉ có một vài thành viên biết một chút lý thuyết âm nhạc như nhận diện nốt nhạc, hoặc chơi một số nhạc cụ cơ bản, còn về kỹ thuật thanh nhạc thì trong dàn hợp xướng hầu như không có ai” – Hà Ny, người chỉ huy dàn hợp xướng, chia sẻ.
Bà Hoàng Thị Thu Hường, người sáng lập Hợp xướng Đa Dạng, cho biết nhóm được thành lập vào tháng 11-2018, bắt đầu từ trăn trở của bà khi thực hiện các dự án cộng đồng là: Làm thế nào rút ngắn khoảng cách, tạo nên sự thấu hiểu và gắn kết với nhau cho các nhóm cộng đồng yếu thế trong cuộc sống? Và âm nhạc chính là đáp án phù hợp nhất cho trăn trở ấy.
“Trong xã hội tồn tại nhiều nhóm cộng đồng khác nhau như: người già, người trẻ, người khuyết tật, người LGBT… Nhiều người chưa có cơ hội để hiểu nhau nên luôn có những khoảng cách. Không có nhịp cầu nào tuyệt vời và hiệu quả hơn âm nhạc. Và dự án Hợp xướng Đa Dạng ra đời không chỉ đưa mọi người đến với nhau, mà còn lan tỏa năng lượng tích cực tới cộng đồng” – bà Hường chia sẻ.
Hiện hợp xướng có hơn 70 thành viên, gồm nhiều lứa tuổi, ngành nghề – trong đó tập trung nhiều nhất là những người già, người khuyết tật.
“Trẻ tuổi nhất có những lúc có những em nhỏ chỉ 4-5 tuổi đi theo bố mẹ cùng tham gia. Còn lớn tuổi nhất là các cô chú từ 70-80 tuổi. Có những thành viên coi đây như gia đình thứ hai của họ. Tất cả lên sân khấu luôn với tâm thế là những người yêu âm nhạc và dành cho nhau tình yêu thương đẹp nhất” – bà Hường cho biết.
Trong số những thành viên tham gia từ ngày đầu, không thể không nhắc đến chị Nguyễn Thị Yến (42 tuổi) – thành viên nhóm bè Soprano của hợp xướng.
Dù khuyết tật chân do di chứng bại liệt lúc hơn 1 tuổi, phải ngồi xe lăn và mỗi buổi tập đều phải nhờ chồng chở xe máy từ Từ Sơn (Bắc Ninh) về Hà Nội tập, nhưng chị Yến luôn tham gia tập luyện chăm chỉ, ít khi vắng mặt.
Hình ảnh xúc động nhất với cả nhóm là người chồng cõng chị Yến đi bộ lên tận tầng 7 tham gia tập luyện cùng đội nhóm. Anh luôn mỉm cười vui vẻ, nhiều hôm dắt cả con đi cùng. Âm nhạc trở thành một sợi dây đồng cảm, kết nối, nuôi dưỡng hạnh phúc cho gia đình anh chị.
Còn bà Trần Thu Thủy (58 tuổi, Hà Nội) bày tỏ: “Khi chơi cùng các anh chị khác trong dàn hợp xướng, tôi cảm giác mình khỏe hơn, yêu đời hơn, như được cộng hưởng năng lượng tích cực”.
6 năm qua Hợp xướng Đa Dạng có mặt biểu diễn ở nhiều chương trình, hoạt động vì cộng đồng như: Hòa nhạc Vì một Hà Nội đáng sống, biểu diễn tại Tòa nhà Xanh Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, phối hợp với sinh viên các trường đại học thực hiện các MV mang thông điệp bảo vệ môi trường, tình yêu quê hương đất nước…
Mới đây nhạc trưởng Hà Ny cùng Hợp xướng Đa Dạng đã triển khai dự án “Hát cùng Ukulele”, đưa âm nhạc nuôi dưỡng, âm nhạc ngũ cung vào đời sống thông qua tiếng đàn Ukulele.
Một cộng đồng mang tên “Hát cùng Ukulele” được hình thành, và ra mắt bằng đêm nhạc diễn ra tại Hà Nội đậm chất thiền ca nuôi dưỡng cùng cây đàn Ukulele, trống Hang-drum, tiếng đàn Harp…
Những bài nhạc thiền ca mang đầy chất liệu của nuôi dưỡng, tình yêu thương và lòng biết ơn khiến người nghe như đang được đằm mình trong một dòng sông thuần khiết, mát lành.
Nguồn: https://tuoitre.vn/am-nhac-cong-dong-bac-nhung-nhip-cau-thau-hieu-20240909092635626.htm