Đâu đó trong mùa SEA Games 32 năm nay, người dân Campuchia chào đón du khách bằng những âm thanh đặc trưng của đất nước mình.
Đó là những âm thanh cổ xưa từ thời Đế chế Khmer cổ đại, kết hợp với nhạc Ấn Độ, Trung Quốc và các bộ lạc bản địa nguyên thủy, kể cả âm nhạc phương Tây.
Nói cách khác, âm nhạc của Campuchia ngày nay, bên cạnh bản sắc riêng còn có sự tổng hòa các yếu tố âm nhạc trên khắp thế giới.
Nhạc dân gian và cổ điển
Theo Wikipedia, trong thời kỳ đầu, nhạc Campuchia chịu ảnh hưởng lớn từ các hình thức cổ xưa cũng như các hình thức nhạc của đạo Hindu. Âm nhạc cổ điển của đất nước này chia thành ba phần chính: pinpeat, phleng kar và mahori, tất cả đều gắn liền với các điệu múa tôn giáo, phần lớn là mô tả các câu chuyện và thần thoại cổ xưa, rất phổ biến trong văn hóa Campuchia.
Pinpeat là một dàn nhạc hoặc ban nhạc biểu diễn nhạc nghi lễ cung đình và đền thờ. Cái tên pinpeat có nguồn gốc từ 2 nhạc cụ: pin (đàn hạc) và vadya/peat. Nếu là dàn nhạc hoàng gia thì pinpeat sẽ bao gồm khoảng 9 hoặc 10 nhạc cụ, chủ yếu là bộ hơi và bộ gõ (kể cả một số loại xylophone và trống). Dàn nhạc này tương tự như dàn nhạc pinphat của Lào và piphat của Thái Lan. Pinpeat thường chơi cho các vở nhạc kịch cổ điển, kể cả nam (Lokhon Khol) và nữ (Apsara), kèm với các điệu múa cung đình, vở kịch đeo mặt nạ, vở kịch bóng tối và các nghi lễ tôn giáo.
4 cô gái bóng rổ nữ 3x3 Việt Nam ôm nhau khóc nức nở sau tấm HCV lịch sử
Tùy mức độ qui mô, một dàn pinpeat thường có các nhạc cụ sau: roneat (xylophones); roneat ek (đàn xylophone bằng tre có âm vực cao); roneat thung (đàn xylophone có âm vực thấp hơn roneat ek); roneat (metallophones); roneat dek; roneat thong và trống: skor thom (2 trống lớn, tương tự như trống taiko, chơi bằng dùi trống) và samphor (trống hai đầu chơi bằng tay); chhing (chhap) - loại chũm chọe ngón tay; krap (cái kẹp gỗ, hiện ít được sử dụng). Nhạc cụ hơi thì có sáo sralai (bộ sậy bốn chiều); sáo sralai thom (gồm 4 cây sậy lớn); sáo sralai toch (4 sậy nhỏ); sáo trúc khloy - một loại sáo trúc (được sử dụng thay thế cho sralai trong quá khứ).
Bên cạnh nhạc pinpeat mang tính tôn giáo và "dành cho các vị thần", còn có loại nhạc giải trí cung đình, đó là mahori, một hình thức âm nhạc truyền thống của triều đình Campuchia, Xiêm La và Lào. Dàn nhạc này bao gồm roneat ek (xylophone), roneat thong (metallophone), sáo khloy, đàn chakhe (krapeu); những nhạc cụ dây cung kéo như tro ou, tro chhé, tro sor; trống skor romonea và chũm chọe chhing…
Một loại nhạc khác gọi là Arak (araak, areak, aareak), dành cho mục đích tôn giáo và chữa bệnh, xuất phát từ "tín ngưỡng tâm linh vật linh" của Campuchia cổ đại. Theo truyền thống, loại nhạc này dùng để "xua đuổi bệnh tật" với những nhạc cụ chính là sáo, trống, đàn tro, chapei và kse diev.
Âm nhạc hiện đại của Campuchia
Đó là loại nhạc pop - rock khởi đầu từ cuối những năm 1950 với những đĩa nhạc pop từ Pháp và Mỹ Latinh nhập khẩu rồi trở nên phổ biến ở đất nước này. Tiếp đó là nhạc rock and roll và nhạc soul của phương Tây kết hợp với với kỹ thuật thanh nhạc của người Campuchia.
Nhìn chung, âm nhạc Campuchia hiện nay thể hiện phần lớn qua các phần nhạc nền trong Lễ khai mạc SEA Games 32 vừa qua, cho thấy sự kết hợp giữa nhạc cổ điển và nhạc hiện đại, bao gồm nhạc kiểu crooner cùng với nhạc khiêu vũ, biểu thị bằng những nhịp điệu như romvong - một điệu nhảy di chuyển theo hình tròn của nam và nữ, kết hợp các động tác tay duyên dáng và động tác chân đơn giản, kế tiếp là rom kbach, một điệu nhảy truyền thống, phổ biến của người Campuchia.
Source link
Bình luận (0)