Khi con trưởng thành, rời xa vòng tay của cha mẹ, con mới hiểu rằng nơi bình yên nhất là nhà và người yêu thương, bao dung nhất chính là cha mẹ. Nếu như mẹ luôn ấm áp, sẵn sàng chia sẻ cùng con những lúc buồn, vui thì cha lại luôn yêu thương con một cách lặng thầm. Cha miệt mài lao động để con có một tuổi thơ êm đềm, đủ đầy, để những bước đường tương lai của con thêm vững chãi. Không có năm tháng bình lặng, chỉ có người đã thay con gánh những gánh nặng trên vai, đó là cha.
Tôi đã từng đọc một truyền thuyết về cha, rằng khi thượng đế tạo ra cha, ông đã cho người cha thân hình cao to, khỏe mạnh, đôi vai rộng, lực lưỡng và đôi bàn tay thô ráp để “vững chãi dắt bọn trẻ qua mọi sóng gió, cho đến khi chúng trưởng thành”. Cuối cùng, khi thượng đế nặn đôi mắt, ông định để ở đó một giọt lệ nhưng sau hồi lưỡng lự, ông đã lau đi. Chính vì vậy, dù trải qua giông tố của cuộc đời, con rất ít khi nhìn thấy nước mắt của cha. Cha kiên định, vững vàng che chở cho cả gia đình.
Trong cuộc sống, có những người cha rất đặc biệt, không chỉ làm tròn vai trong gia đình nhỏ, mà với tấm lòng quảng đại, nhân ái, đã chăm lo, quan tâm, trở thành người cha của hàng chục, hàng trăm em nhỏ mồ côi, lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn các em bằng tình cảm ấm áp.
Hơn 10 năm sống trong mái ấm của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, Giàng Thị Chư nay đã trở thành sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Mồ côi cha, mẹ khi mới 6 tuổi, em lớn lên trong sự quan tâm, chăm sóc của các cán bộ ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Anh Đinh Minh Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh chính là người cha thứ 2 của em, người mà em vẫn gọi hai tiếng thân thương “bố Nghĩa”. Chư tâm sự: Bố Nghĩa luôn quan tâm, động viên em trong học tập, bố còn dạy bảo em cách đối nhân xử thế. Điều làm em ngày càng yêu mến, kính trọng bố Nghĩa là tình thương mà bố dành cho các con. Bố thường kêu gọi sự giúp đỡ của nhiều cá nhân, tổ chức để chúng em có cuộc sống tốt hơn, có thêm những bữa ăn ngon, giày dép, áo ấm, có thêm điều kiện học tập…
Chư xúc động kể với chúng tôi về kỷ niệm trong buổi chụp ảnh kỷ yếu năm lớp 12: Em tham gia hoạt động trong tâm trạng buồn tủi, bởi nhìn quanh, các bạn đều có bố, mẹ đến cùng. Em thấy mình thật đáng thương, lạc lõng. Trong phút giây đó, bố Nghĩa bỗng nhiên xuất hiện trong bộ vest chỉn chu và mang theo bó hoa rất đẹp tặng em. Bố nói với em rằng: “Chúc mừng con gái của bố đã trưởng thành…”.
Khi ấy, Chư rưng rưng giọt nước mắt hạnh phúc, em đã có thể tự tin trước bạn bè, cùng bố Nghĩa lưu lại những hình ảnh đẹp, ấm áp của ngày cuối cấp. Đến nay, khi Chư đã rời xa mái ấm Trung tâm Công tác xã hội, xa bố Nghĩa để đi học chuyên nghiệp, em vẫn luôn nhận được sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của bố. “Em rất quý trọng bố Nghĩa, em sẽ cố gắng học tập để xứng đáng với những kỳ vọng của bố” – Chư nghẹn ngào.
Ở xã Cốc San (thành phố Lào Cai) cũng có một người cha đặc biệt, đó là anh Hoàng Long, chủ cơ sở bảo trợ xã hội Long Hương. Hơn 10 năm qua, anh Long cùng vợ là chị Trần Thị Hằng đã bao bọc, giúp đỡ hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ cho các con có một mái ấm, anh còn đưa đón các con đến trường, dạy nghề may miễn phí, giúp các con có tương lai tốt đẹp hơn. Những đứa trẻ được vợ chồng anh Long nhận nuôi dưỡng đến từ các xã, huyện khác nhau nhưng dưới mái ấm này, trong tình thương của người cha, người mẹ thứ 2, chúng trở thành anh em ruột thịt. Làm người cha trong một đại gia đình với hàng chục người con, gánh trên vai trách nhiệm nặng nề, nhưng anh chưa bao giờ thấy mỏi mệt. Anh bộc bạch: Mỗi đứa trẻ có hoàn cảnh riêng, thương lắm. Còn khỏe mạnh, chúng tôi sẽ còn chăm lo, bù đắp cho các con.
Tôi muốn dành nghìn lời cảm ơn chân thành gửi đến những người cha như anh Nghĩa, anh Long, bởi họ đã có mặt, bao dung trong hành trình trưởng thành của những đứa trẻ ấy, xóa đi nỗi bất hạnh trong cuộc đời chúng bằng những ấm áp của của tình phụ tử.
Khi đã mang trọng trách của người cha, tình phụ tử thiêng liêng đã khắc trong tâm khảm, chỉ còn hiện hữu những giọt mồ hôi để trang trải nỗi lo cơm áo, những phút lặng lẽ nghĩ suy, định hướng cho con bước trưởng thành. Nụ cười, thành công của con chính là động lực lớn nhất để những người cha tiếp tục cố gắng, vượt qua những vất vả, khó khăn trong cuộc sống. Bởi vậy, ai còn cha xin đừng làm cha khổ, hãy nhớ câu đạo hiếu làm đầu. Ai còn mẹ, xin đừng làm mẹ khóc, đừng làm buồn đôi mắt mẹ nghe không.