Hội nghị Thượng đỉnh G7 là gì?
G7 là một nhóm không chính thức gồm các quốc gia công nghiệp hàng đầu, gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Mỹ. Theo kế hoạch, các nhà lãnh đạo thảo luận về nhiều vấn đề, bao gồm chính sách kinh tế, an ninh, biến đổi khí hậu, năng lượng và cả công nghệ.
Năm nay đến lượt Nhật Bản đăng cai tổ chức và là chủ tịch luân phiên. Theo thông lệ trong những năm gần đây, lãnh đạo một số nước không thuộc G7 và các tổ chức quốc tế cũng sẽ tham gia một số phiên họp của hội nghị này.
Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên diễn ra vào năm 1975, khi Pháp đăng cai tổ chức cuộc họp G6 khi đó để thảo luận về việc giải quyết suy thoái kinh tế sau lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập. Canada trở thành thành viên thứ 7 một năm sau đó. Nga tham gia để thành lập G8 vào năm 1998 nhưng đã bị từ chối sau vụ sáp nhập Crimea năm 2014.
Ai sẽ tham gia?
Năm nay, các nhà lãnh đạo của Úc, Brazil, Comoros, Quần đảo Cook, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Việt Nam đã được mời tham dự. Lời mời tới các nhà lãnh đạo bên ngoài G7 nhằm mở rộng hợp tác tới nhiều quốc gia hơn.
Thị phần của các nước G7 trong hoạt động kinh tế toàn cầu đã giảm xuống chỉ còn khoảng 30% so với khoảng 50% cách đây 4 thập kỷ. Các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil đã đạt được những thành tựu to lớn, đặt ra câu hỏi về sự phù hợp của G7 và vai trò của nó trong việc dẫn dắt nền kinh tế thế giới vốn ngày càng phụ thuộc vào các nền kinh tế mới nổi nói trên.
Các nhà lãnh đạo của Liên hợp quốc, Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Thương mại Thế giới cũng được mời tham dự hội nghị này
Tại sao là Hiroshima và vấn đề hàng đầu là gì?
Hiroshima là quê hương của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Sự lựa chọn địa điểm của ông nhấn mạnh quyết tâm đặt giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Hội nghị.
Con đường giải trừ hạt nhân dường như khó khăn hơn với các mối đe dọa vũ khí, bất chấp mối nguy này đang xảy ra liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine và căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.
Thủ tướng Kishida đang cố gắng tạo ra một lộ trình giữa thực tế khắc nghiệt hiện tại và lý tưởng về một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Vào hôm nay, ông sẽ chào đón các nhà lãnh đạo đến tham quan một số địa điểm nhiều ý nghĩa tại Hiroshima, như Công viên Hòa bình Hiroshima, Bảo tàng bom A, cũng như có thể tổ chức một cuộc gặp với các các nạn nhân sống sót ở Hiroshima sau khi bị Mỹ thả bom nguyên tử hồi Thế chiến II.
“Tôi tin rằng bước đầu tiên hướng tới bất kỳ nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân nào là cung cấp trải nghiệm trực tiếp về hậu quả của vụ đánh bom nguyên tử và truyền đạt một cách thực tế”, ông Kishida cho biết hôm thứ Bảy tuần trước khi đến Hiroshima để quan sát công tác chuẩn bị cho Hội nghị.
Các nhà lãnh đạo G7 dự kiến sẽ bàn về cuộc chiến Nga – Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy sẽ tham gia cuộc họp theo hình thức trực tuyến. Ngoài ra các vấn đề căng thẳng trong khu vực cũng được đưa ra để bàn bạc, bên cạnh các vấn đề an ninh, kinh tế và khí hậu toàn cầu.
Huy Hoàng (theo AP, Reuters, Kyodo)