Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell, nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Sydney (Úc), Phòng thí nghiệm Apsara của Alibaba Cloud Intelligence (nhà cung cấp dịch vụ đám mây hàng đầu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương) và Đại học Tôn Trung Sơn của Đài Loan (Trung Quốc) cho biết họ đã sử dụng một công cụ học máy mới để phát hiện ra 161.979 loại vi rút axit ribonucleic (RNA) mới. Đây là số lượng vi rút lớn nhất được phát hiện từ trước đến nay.
Các nhà nghiên cứu cho biết công cụ học máy có thể cải thiện đáng kể việc lập bản đồ sự sống trên Trái đất và hỗ trợ xác định thêm hàng triệu loại vi rút.
Nhà nghiên cứu Edward Holmes, tác giả chính của nghiên cứu đến từ Trường Khoa học y tế thuộc Đại học Sydney, cho biết đây là số lượng lớn nhất các loại vi rút mới được phát hiện chỉ trong một nghiên cứu, giúp mở rộng kiến thức của con người về các loại vi rút tồn tại trong môi trường hiện nay.
Việc phát hiện ra nhiều loại vi rút mới như vậy trong một nghiên cứu là điều đáng kinh ngạc và đây chỉ là sự khởi đầu, mở ra một thế giới khám phá. Còn hàng triệu loại vi rút nữa đang được phát hiện và con người có thể áp dụng phương pháp tương tự này để xác định vi khuẩn và ký sinh trùng.
Để thực hiện khám phá này, các nhà nghiên cứu đã xây dựng một công cụ học máy có tên là LucaProt, có khả năng tính toán thông tin phức tạp về mặt di truyền và dữ liệu trình tự di truyền rộng lớn. Chuyên gia Holmes cho biết nhiều chủng vi rút đã được giải mã, nhưng LucaProt có thể sắp xếp và phân loại các thông tin khác nhau để xác định vi rút.
Đồng tác giả của nghiên cứu, nhà khoa học Li Zhaorong đến từ Phòng thí nghiệm Apsara của Alibaba Cloud Intelligence, cho biết nghiên cứu đã chứng minh rằng AI có thể hoàn thành các nhiệm vụ khám phá sinh học một cách hiệu quả. Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ đào tạo công cụ này để xác định sự đa dạng hơn nữa của vi rút.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ai-phat-hien-hon-160-000-loai-virus-moi-20241010185116738.htm