Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM vừa tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia chủ đề “Phát huy các nguồn lực văn hóa để xây dựng và phát triển thành phố sáng tạo của TP HCM”, giới nghiên cứu đã có những trao đổi về nội dung liệu AI (trí tuệ nhân tạo) có thể thay thế được vai trò sáng tạo của tác giả?
AI không thể có được cảm xúc
Sự phát triển của AI đã giúp khoảng cách giữa con người và công nghệ ngày càng thu hẹp. Hiện nay, AI đã lấn sân sang lĩnh vực nghệ thuật, có thể tạo ra các tác phẩm nghệ thuật như hội họa hay nhiếp ảnh với chất lượng rất cao chỉ trong vài giây. Đối với công tác biên kịch, tác giả sân khấu đang đứng trước thách thức liệu AI có thay thế tác giả sáng tác kịch bản?
Một cảnh trong vở cải lương kinh điển “Tiếng trống Mê Linh” của tác giả Việt Dung, Vĩnh Điền – một trong 10 tác phẩm sân khấu được đề cử Giải thưởng 50 năm Văn học Nghệ thuật TP HCM
Theo NSND Trần Ngọc Giàu – Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, góc nhìn của người nghệ sĩ là từ tình cảm, là nhân sinh quan xuất phát từ trái tim, điều này rất đặc biệt cho nên dù tiến bộ đến đâu thì AI vẫn không thể thay thế được tư duy, cảm xúc của con người. “AI chỉ là một cái khung tổng kết, nó hoàn chỉnh kiểu máy móc. Nhận diện kịch bản từ AI không khó, vì nó chỉ cấu trúc theo công thức” – NSND Trần Ngọc Giàu cho biết.
Những nhà chuyên môn cho rằng AI không thể sáng tạo những điều hoàn toàn mới, nó chỉ mạnh với việc kết hợp những điều đã có sẵn. Nói theo kiểu công nghệ thì AI là sự chọn lọc tự nhiên – sẽ giữ lại những người thật sự có năng lực, qua đó tạo nên những tác phẩm “độc” lạ, sáng tạo. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng AI không thể vận dụng sự sáng tạo mang tính đặc thù trong biên kịch của các loại hình sân khấu, nó chỉ có thể tập hợp những câu thoại vô nghĩa có sẵn và không thể tạo sự đột phá về phong cách sáng tác riêng của một tác giả chuyên nghiệp.
NSƯT Ca Lê Hồng nhìn nhận: “Sân khấu là bộ môn nghệ thuật tổng hợp có nét đặc thù riêng, tác giả có nhiều đặc điểm về tâm sinh lý, trí tuệ cảm xúc mà AI rất khó có thể hiểu và làm được. Hiện AI không thể thay thế con người trong sáng tạo nghệ thuật bởi những khiếm khuyết về cảm xúc, rung cảm”.
Nguồn dữ liệu tốt cho sân khấu
Theo những người trong cuộc, thực tế cho thấy từ nhiếp ảnh, hội họa đến âm nhạc, văn chương, AI đều có thể thực hiện được chỉ với những câu lệnh đơn giản trong khoảng thời gian đáng kinh ngạc. Nhưng với tác phẩm sân khấu, nhất là biên kịch với nét đặc thù riêng, những tác phẩm do AI tạo ra khó có thể thay thế kịch bản do tác giả sáng tác.
NSND Trần Minh Ngọc cho rằng: “AI chỉ là một cỗ máy tổng hợp, xáo trộn các nguồn dữ liệu mà nó thu thập được để thực hiện các yêu cầu của con người. Những tác phẩm nghệ thuật do con người tạo ra không phải bằng cách áp dụng công thức, sáng tạo nghệ thuật không có một giới hạn hay công thức rập khuôn nào cả. Cũng như không có một con đường định sẵn nào để đi đến đích trong nghệ thuật, nhất là với người làm sân khấu”.
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái góp thêm: “Xã hội biến chuyển không ngừng, với sự phát triển của khoa học – công nghệ, đã đến lúc những người làm nghệ thuật sân khấu cần phải nghiêm túc với những tác phẩm mình làm ra. Hãy cạnh tranh với những tác phẩm công nghiệp, rập khuôn của AI bằng tác phẩm được tạo ra từ rung cảm của trái tim, từ những trải nghiệm và sự nghiêm túc, say mê vì nghệ thuật chân chính”.
Các nhà chuyên môn khẳng định chỉ nên dùng AI để tham khảo, tìm hiểu thông tin phục vụ việc nghiên cứu, sáng tác tác phẩm nghệ thuật, AI không thể thay thế con người sáng tác một hình tượng nhân vật mới. Giới làm sân khấu không nên quá lạm dụng hay phụ thuộc quá nhiều vào AI vì như vậy sẽ đánh mất phong cách, bản sắc của chính mình.
“Những thứ AI tạo ra luôn vô hồn, vô cảm không thể đưa lên sân khấu biểu diễn. Nó chỉ có thể là một kênh thông tin hữu ích trong quá trình sáng tạo để người làm sân khấu tìm kiếm tư liệu khi dàn dựng hoặc tác giả có thể tham khảo khi đi sâu vào các lĩnh vực chuyên môn của xã hội” – NSND Trần Minh Ngọc phân tích.
Nguồn: https://nld.com.vn/van-nghe/ai-kho-long-canh-tranh-voi-tac-gia-san-khau-20231130204752353.htm