TP – Sau mỗi năm học, các sở, phòng giáo dục, trường phổ thông trên cả nước lại triển khai cho phụ huynh, học sinh đăng ký mua sách giáo khoa, sách bài tập, sách tham khảo, đồ dùng học tập… cho năm học mới. Phía sau việc mua hộ sách cho học sinh có tỷ lệ “hoa hồng” như thế nào? Phóng viên Tiền Phong vào vai một đơn vị phát hành sách tìm hiểu về vấn đề này.
Sách giáo khoa sẽ được chiết khấu cao
Qua số điện thoại bộ phận bán hàng của đơn vị phát hành bộ sách Cánh Diều (Công ty Đầu tư Xuất bản – Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) phối hợp với Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Huế và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh tổ chức biên soạn, xuất bản), được đăng tải công khai, chúng tôi hẹn gặp nhân viên phụ trách bán hàng. Trước khi gặp trực tiếp, người này gửi trước một bảng báo giá bộ sách các cấp học để chúng tôi tham khảo.
Nhân viên được cho là của Nhà xuất bản Giáo dục trao đổi về “hoa hồng” sách giáo khoa |
Tìm đến địa chỉ công ty phân phối chính thức bộ sách giáo khoa Cánh Diều trên đường Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội), chúng tôi gặp nhân viên tên L. “Anh muốn lấy sách để đưa vào trường qua các phòng giáo dục và bán online, em xem chiết khấu phần trăm thế nào, giao hàng ra sao và thanh toán theo hình thức nào?”, tôi đặt vấn đề.
Suy nghĩ một lát, nhân viên L. hỏi: “Anh đã bán sách chưa hay giờ mới bắt đầu. Trước đây, các nơi khác chiết khấu thế nào?”. Tôi trả lời, đã bán được vài vụ, nay muốn tìm thêm nguồn cung cấp để có mức chiết khấu tốt hơn.
Có vẻ như đã nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, nhân viên này cho biết công ty là đơn vị phân phối chính bộ sách Cánh Diều tại miền Bắc. “Công ty chỉ có thể bán hàng cho các anh không có hoá đơn, không hợp đồng. Còn bán vào trường thì phải cần các giấy tờ đó, các anh muốn lấy chúng em sẽ đẩy xuống đại lý phía dưới để cung cấp. Hàng sẽ được xe của công ty giao đến tận nơi và giao cả đến từng trường. Bên anh phải thanh toán trước mỗi đơn hàng”, nhân viên này nói. “Anh muốn thanh toán gối đầu (có đơn mới, thanh toán nợ cũ)?”, tôi đề nghị nhưng nhân viên này lắc đầu từ chối.
Thấy tôi ngập ngừng, nhân viên này tiếp lời: “Bên em để cho anh được 15 (15%) đối với sách giáo khoa, đấy là giá cao nhất rồi, nơi khác chỉ cho 13 (13%). Còn sách bài tập là 20 (20%), sách bổ trợ, tham khảo là 25 (25%) và sách giáo viên thì chỉ được 10 (10%). Anh lấy số lượng lớn thì bên công ty mới để được như thế. Sau này, nếu bên anh lấy nhiều hơn thì công ty sẽ căn chỉnh thêm. Nhưng chắc chắn, sách giáo khoa chỉ được chiết khấu tối đa là 15%, cao hơn rất nhiều nơi rồi”.
Nhân viên L. trao đổi về tỷ lệ chiết khấu cho bộ sách Cánh Diều |
Nhân viên L. cho biết thêm, công ty chỉ bán cho các đại lý, thu tiền ngay và các đại lý bên dưới sẽ bán sách qua các phòng giáo dục. Thông thường, nếu bán qua phòng giáo dục sẽ lâu được thanh toán, có đơn hàng mất cả nửa năm, nên công ty không làm.
Chiêu tăng chiết khấu
Chúng tôi tiếp tục liên hệ với đơn vị phát hành 2 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo (do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn, phát hành). Qua trao đổi với cán bộ công ty cổ phần chuyên phát hành sách cho Nhà xuất bản Giáo dục ở miền Bắc, chúng tôi được giới thiệu gặp một nhân viên phụ trách phát hành của nhà sách đóng tại quận Hà Đông (Hà Nội).
Sau khi giới thiệu, tôi ngỏ ý muốn lấy sách số lượng lớn để bán vào trường học khu vực các huyện phía Nam thành phố Hà Nội. Nhân viên này hỏi: “Anh đã làm lâu chưa, muốn lấy thế nào, đã có đơn hàng chưa? Nếu đã bán hàng, đã lấy qua các công ty phát hành sách Hà Tây (Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Hà Tây) hay Hà Nội chưa?”. Tôi giới thiệu mới tham gia bán hàng này, chưa có kinh nghiệm, không lấy qua các công ty phát hành sách ở địa phương.
Người này cho biết, khu vực phía Nam Hà Nội là thị trường của các công ty phát hành sách ở địa phương, thị trường sách đã phân chia theo từng huyện, từng tỉnh “Các anh cho xe đến nhà sách nhận thì tốt hơn, chúng em sẽ để giá tốt. Chúng em sẽ xuất bán sách theo từng thùng, các anh tự kiểm kê. Sách giáo khoa được chiết khấu 11 (11%), sách bài tập là 15 (15%). Mua sách giáo khoa thì không nợ được, phải thanh toán luôn. Đây là mức cao nhất rồi nhưng các anh phải lấy số lượng lớn. Nếu lấy số lượng sách bài tập lớn thì mức chiết khấu sẽ được điều chỉnh tăng thêm 0,5% (tức sách bài tập được chiết khấu 15,5%). Bán sách giáo khoa được 1% hoặc 2 % là vấn đề rồi. Bán sách giáo khoa phải lấy doanh số, chứ bán xuống các đại lý chỉ 9 hoặc 10% là cao nhất”, người bán này nói.
Người bán hàng chỉ cho chúng tôi cách đưa sách tham khảo, bài tập vào bộ sách giáo khoa để tăng chiết khấu: “Nếu mua sách giáo khoa qua phòng (phòng Giáo dục và Đào tạo) chỉ được 7-8 (%) thôi. Ăn nhau từng phẩy phần trăm như vậy là nhiều rồi. Bên em có nhiều sách tham khảo, anh đưa thêm vào danh mục sách để bán kèm. Sách tham khảo chiết khấu “nhẹ” nhất cũng được 35 (35%)”.
Theo nhân viên này, vừa qua, hai bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã công bố giảm giá so với năm trước. Theo đó, giá bìa mới của các cuốn sách giáo khoa tái bản năm nay đã giảm so với các năm trước. Cụ thể, giá bìa bộ Kết nối tri thức với cuộc sống giảm 9,6%, giá bìa bộ Chân trời sáng tạo giảm 11,2%. Việc chiết khấu, trích phí phát hành như trên được áp dụng cho mức giá mới này.
Ngoài ra, người này thoả thuận, nếu hai bên hợp tác sẽ không ký hợp đồng và không xuất hoá đơn. “Đây không phải vì vấn đề pháp lý mà thị phần sách giáo khoa đã phân định từng vùng rõ từ lâu, không bên nào được tranh của nhau”, nhân viên này nói và cho biết công ty là đơn vị phân phối đưa sách về các công ty phát hành sách ở các tỉnh.
Sách giáo khoa đang được các nhà xuất bản bán cho học sinh các trường học phổ thông hiện nay có 3 loại chính, gồm: Sách giáo khoa được sử dụng chính thức theo danh mục quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Sách bổ trợ, được biên soạn sát theo nội dung chương trình sách giáo khoa như sách bài tập, vở tập viết và sách tham khảo, cung cấp thêm các dạng bài tập, các kiến thức nhằm mở rộng kiến thức cho học trò. Giá của từng cuốn sách đều được công bố và in cụ thể sau trang bìa.
Nguồn: https://tienphong.vn/ai-huong-phi-phat-hanh-ban-sach-giao-khoa-post1661846.tpo