Mạng internet ngày càng phổ biến và trở thành một giao thức quy mô toàn cầu, tuy nhiên điều này cũng khiến việc truy cập, sử dụng trở nên phức tạp hơn. Hiện toàn cầu có hàng tỉ website chứa thông tin, giúp mọi người kết nối, cùng với đó là vô vàn tác vụ trên internet cần tới hàng chục bước để thực hiện.
Với một người bình thường, “làm chủ” các thao tác trên internet là điều đơn giản, nhưng có thể trở thành bất khả thi với những người khuyết tật. Vì lẽ đó, một nhóm nhà khoa học, kỹ sư tại bang Ohio (Mỹ) đang phát triển công cụ AI trực tuyến giúp tối giản hóa quy trình sử dụng thế giới số cho mọi người.
“Với một số người, đặc biệt là những người khuyết tật, sẽ rất khó để truy cập internet. Chúng ta ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào thế giới điện toán dù trong sinh hoạt hằng ngày hay ở công việc, nhưng điều này cũng kéo theo nhiều rào cản hơn và ở một mức độ nào đó sẽ làm gia tăng cách biệt trên môi trường số”, Yu Su – nhà khoa học là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.
Dự án của Yu Su và cộng sự giúp tận dụng sức mạnh của các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) để biến thành nhân sự ảo có khả năng hành động tương tự con người khi truy cập internet. Nhóm đã trình diễn khả năng hiểu ngữ cảnh cũng như tính năng của mô hình, vận hành trên nhiều website khác nhau chỉ dựa trên quá trình xử lý và dự đoán ngôn ngữ.
Su cho biết thành công của dự án phần lớn nhờ khả năng xử lý của mô hình AI trong quá trình tích lũy thông qua việc “học” từ internet. Nhóm đã cho AI thực hiện hơn 2.000 nhiệm vụ từ 137 website thực tế khác nhau nhằm phục vụ yêu cầu huấn luyện. Một số yêu cầu được giao, thực hiện thành công như đặt vé một chiều, vé khứ hồi bay quốc tế, theo dõi tài khoản người nổi tiếng trên X (Twitter cũ), tìm các phim hài trên Netflix có thời gian công chiếu từ 1992 tới 2017… Nhiều nhiệm vụ được đánh giá là khó khăn, có thể kể đến như đặt vé máy bay quốc tế cần tới 14 thao tác.
“Việc đào tạo AI để thực hiện nhiệm vụ thông qua lệnh ngôn ngữ chỉ trở nên khả thi nhờ sự phát triển gần đây của các LLM như ChatGPT”, Su nhận định. Kể từ khi chatbot của OpenAI phát hành ra cộng đồng vào tháng 11.2022, hàng triệu người dùng đã sử dụng ChatGPT nhằm tạo ra nội dung tự động, từ văn thơ, chuyện hài tới tư vấn nấu nướng, chẩn đoán triệu chứng bệnh…
Ngoài việc hỗ trợ người khuyết tật sử dụng interrnet, AI của nhóm phát triển còn có thể dùng để tăng cường sức mạnh các hệ thống trí tuệ nhân tạo khác như ChatGPT, biến thế giới internet thành công cụ với sức mạnh chưa từng có.
“Chúng tôi nhận thấy tiềm năng lớn trong việc cải thiện hiệu năng, cho phép tập trung vào những phần sáng tạo hơn trong công việc. Nhưng đi kèm với đó là khả năng gây hại lớn không kém”, đại diện nhóm phát triển bày tỏ. Những rủi ro được đề cập đến gồm sử dụng sai mục đích thông tin tài chính của người dùng, phát tán tin thất thiệt…
Do đó, chuyên gia cho rằng con người nên thận trọng với những yếu tố này và nỗ lực phối hợp để cố gắng giảm thiểu rủi ro. Nhưng Yu Su cho rằng xã hội loài người sẽ có được những tăng trưởng lớn khi sử dụng AI vào thương mại trong những năm tới, đặc biệt khi công nghệ này đã phổ biến trong công chúng.