(NLĐO)- Đại diện các trường ĐH và nhà nghiên cứu từ 9 quốc gia đã có mặt tại Việt Nam để bàn luận về những vấn đề nóng trong giáo dục ĐH.
Ngày 5-11, tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP HCM, hội nghị Hiệu trưởng các tổ chức thành viên, Tổ chức ĐH Pháp ngữ (AUF) tại châu Á – Thái Bình Dương với chủ đề “Trao đổi học thuật và nghề nghiệp trong cộng đồng Pháp ngữ” đã thu hút gần 90 đại diện của 58 cơ sở giáo dục ĐH, nhà nghiên cứu tham gia. Đây được xem là diễn đàn giáo dục ĐH và nghiên cứu Pháp ngữ lớn nhất khu vực.
GS Slim Khalbous, Tổng Giám đốc AUF toàn cầu, cho biết hiện nay, các trường ĐH thành viên đang đối diện với nhiều thách thức như chuyển đổi số, việc làm đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp, chất lượng đào tạo và quảng bá kết quả nghiên cứu,…
“Hội nghị vừa tổng kết chiến lược 2021-2025 của AUF, vừa là dịp để các hiệu trưởng trao đổi, giải quyết các vấn đề của giáo dục ĐH và nghiên cứu cũng như cùng nhau xây dựng chiến lược mới giai đoạn 2025-2029” – GS Slim Khalbous nói.
Ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua hàng loạt nghị quyết và đề án quan trọng. Những chính sách này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành công nghiệp mũi nhọn phát triển mà còn định hướng cho GD-ĐT chuyển mình để bắt kịp xu hướng toàn cầu.
Trong 4 phiên thảo luận, ông Sơn ấn tượng với 2 phiên thảo luận: Trí tuệ nhân tạo (AI) với quản trị giáo dục ĐH và nghiên cứu; đối thoại giữa giới học thuật và giới nghề nghiệp.
“Việc ứng dụng AI trong quản trị đại học không chỉ giúp tối ưu hóa các quy trình quản lý mà còn tạo điều kiện cho việc phân tích dữ liệu và đưa ra những quyết định chiến lược chính xác. AI còn mở ra cơ hội lớn trong nghiên cứu khoa học, giúp tăng cường khả năng phân tích và khám phá, từ đó nâng cao vị thế nghiên cứu của các trường ĐH trong khu vực và trên thế giới” – Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định.
PGS-TS Võ Trung Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng), cho rằng AI vừa là một công cụ, vừa là một thuật ngữ chưa được hiểu một cách rõ ràng, bởi lẽ cách thức trình bày của AI trước công chúng thường rất khác biệt so với thực tế. Có thể ví dụ như: Deep learning, AI tổng quát, AI dự đoán, mô hình xác suất, mô hình xác định…
Theo ông Hùng, các trường ĐH mong muốn tham gia vào lĩnh vực này cần đảm bảo thực hiện các biện pháp thích hợp liên quan đến lợi ích, tác hại, rủi ro và cơ hội của việc tích hợp AI trong các cơ chế quản trị giáo dục ĐH và nghiên cứu.
Nguồn: https://nld.com.vn/day-manh-ung-dung-ai-trong-quan-tri-dai-hoc-19624110515440005.htm