Tiềm năng đi đôi với rủi ro
Không thể phủ nhận rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng chứng minh là một công cụ đắc lực hỗ trợ người lao động và tạo thuận lợi cho cuộc sống của con người. Tuy nhiên, các sản phẩm công nghệ này giống như “con dao hai lưỡi” khi bị kể xấu lợi dụng vào lừa đảo, tấn côngtrên không gian mạng.
Trong các bản tin cảnh báo từ Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) hoặc từ Hiệp hội an ninh mạng dẫn chứng ra rất nhiều vụ việc lừa đảo được ghi nhận dùng công nghệ AI. Đơn cử như chị Nguyễn Thanh T – một nhân viên văn phòng ở Hà Nội, trong một lần trò chuyện với bạn qua Facebook Messenger, người bạn đã chào và kết thúc câu chuyện nhưng đột nhiên quay lại nhắn tin, hỏi vay tiền và đề nghị chuyển tiền vào một tài khoản ngân hàng. Dù tên tài khoản trùng khớp với tên bạn mình, chị T nghi ngờ nên yêu cầu gọi video để xác thực. Người bạn đồng ý ngay nhưng cuộc gọi chỉ kéo dài vài giây do “mạng chập chờn”.
Đã thấy mặt bạn mình trong cuộc gọi video, giọng nói cũng đúng nên chị T đã chuyển tiền. Tuy nhiên, chỉ sau khi chuyển tiền thành công, chị mới biết mình đã mắc bẫy của hacker.
Không chỉ chị T, nhiều nạn nhân khác là bạn bè, người thân cũng bị lừa theo cách tương tự. Số tiền kẻ xấu lừa được từ việc giả mạo bằng công cụ Deep fake, giọng nói đã lên tới hàng chục triệu đồng.
Một ví dụ khác điển hình cho việc sử dụng AI để chiếm đoạt tài sản là trường hợp của ông N.T.H, khi sử dụng điện thoại hệ điều hành Android, các đối tượng lừa đảo đã gài bẫy hướng dẫn cài link mã độc. Từ đó chiếm quyền điều khiển điện thoại và các tài khoản ngân hàng để thực hiện chuyển tiền cho bên thứ 3. Ngoài ra các phần mềm mã độc còn tự động thực hiện liên lạc với các thông tin liên hệ có sẵn, thực hiện tin nhắn tự động xin chuyển tiền.
Ông NTH cho biết, kẻ giả mạo tự xưng là “cán bộ công an”, gọi điện đến số điện thoại của ông, yêu cầu xác thực thông tin định danh cá nhân. Do đã lớn tuổi, không quen với công nghệ và nhẹ dạ cả tin, nạn nhân đã chuyển điện thoại cho người thứ ba để nhờ thao tác theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo, từ đó tải và cài ứng dụng có mã độc “DichVuCong.apk” trên điện thoại.
Ông Trần Nguyên Chung, trưởng phòng An toàn hệ thống thông tin (Cục An toàn thông tin) cho biết: Khi công nghệ AI được phát triển, việc phát hiện và phân biệt giữa nội dung thật và giả trên không gian mạng sẽ trở nên khó khăn hơn và bất kỳ ai cũng có thể trở thành mục tiêu, nạn nhân tấn công mạng của tội phạm sử dụng công nghệ AI. Tuy nhiên có trở thành nạn nhân hay không, còn phụ thuộc vào việc trang bị kiến thức và thông tin cần thiết của mỗi người.
Tình trạng lừa đảo sử dụng công nghệ AI này không chỉ xuất hiện tại Việt Nam mà còn có ở nhiều nước trên thế giới. Hiện nay các cơ quan, tổ chức và các tập đoàn công nghệ lớn đang cùng tìm biện pháp, giải pháp kỹ thuật để phát hiện, ngăn chặn tận gốc.
Trong giai đoạn hiện nay, biện pháp quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các phương thức, thủ đoạn và cách thức để nhận biết, đối phó với hình thức giả mạo tinh vi này giúp làm giảm và hạn chế tác động của deepfake tới các hoạt động trên không gian mạng. Chủ động đưa ra cảnh báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng khi có những diễn biến, hình thức lừa đảo mới.
“Trong trường hợp nhận được các cuộc gọi đe doạ tống tiền bằng hình ảnh hay video nhạy cảm, người dân cần bình tĩnh, xác minh và tìm hiểu kĩ nguồn gốc của hình ảnh, video”, ông Trần Nguyên Trung cho biết.
Theo Báo cáo nghiên cứu “Nhận diện rủi ro đối với kinh tế toàn cầu năm 2024” của Trường Đại học Kinh tế (UEB) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, một trong những rủi ro ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu là rủi ro trong lĩnh vực công nghệ. Báo cáo cho rằng trong bối cảnh sự nổi lên nhanh chóng của AI nhưng các chính sách quản lý vẫn chưa thể theo kịp sự phát triển của AI. Thông tin sai lệch mà AI đưa ra, nhất là trong một năm có nhiều cuộc bầu cử trên thế giới như năm nay, đã và đang đặt ra nhiều vấn đề tới an ninh, chính trị, quốc phòng và hòa bình trên toàn cầu”.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang cho biết: “Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 127/2021 về chiến lược nghiên cứu quốc gia, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Để triển khai, Bộ KH&CN cũng như các bộ, ngành khác đã và đang triển khai quyết liệt và đồng bộ như Bộ Tư pháp nghiên cứu về mặt pháp luật. Bộ TT&TT nghiên cứu về công nghệ số. Bộ KH&CN cũng đã hỗ trợ, nghiên cứu và phát triển công nghiệp 4.0; Nghiên cứu và ứng dụng phát triển công nghệ thông tin, phục vụ phát triển đô thị số và thông minh. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh và mạnh mẽ, những mặt trái và rủi ro của AI cũng đã xuất hiện khi bị lạm dụng trở thành công cụ cho tội phạm không gian mạng nhằm mục đích lừa đảo, mạo danh, đe dọa, chiếm đoạt tài sản,…
Cho đến nay, song hành cùng việc nghiên cứu, Bộ KH&CN cùng Chính phủ cũng đang tích cực xây dựng khung pháp lý, học hỏi kinh nghiệm của những quốc gia phát triển khác để lĩnh vực AI tại Việt Nam sẽ phát huy được tiềm lực, thúc đẩy phát triển cũng như kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo tính đạo đức và con người trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo”.
Qua sự phát triển mạnh mẽ của công cụ AI đã đặt ra nhiều vấn đề về quyền con người, đạo đức, quyền riêng tư, an ninh thông tin và trách nhiệm pháp lý. Việt Nam so với thế giới vẫn đang ở trong giai đoạn sơ khai về phát triển AI. Do đó, cần có những quy định, chính sách AI đặc thù phù hợp với mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Gấp rút ban hành khung quy định pháp lý
Quản lý mặt trái AI cũng là nội dung đã được một số nước thảo luận. Quốc hội Liên minh Châu Âu đã phê duyệt bộ quy tắc cơ bản đầu tiên trên thế giới về quản lý trí tuệ nhân tạo. Nhiều chuyên gia về công nghệ cho rằng Bộ quy tắc này sẽ giúp EU chinh phục cả hai mục tiêu: giảm thiểu tác động tiêu cực của sự phát triển công nghệ đến người dùng cũng như bắt kịp vị thế thống trị của những đổi thủ chủ chốt trên thị trường.
Ngay sau đó, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua nghị quyết về trí tuệ nhân tạo (AI), hỗ trợ toàn cầu cho nỗ lực quốc tế nhằm đảm bảo công nghệ mới này mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia, tôn trọng nhân quyền và “an toàn, bảo mật và đáng tin cậy”.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật Công ty CP Công nghệ An ninh mạng Quốc gia cho biết: “AI là công nghệ phục vụ lợi ích con người, hỗ trợ tự động hóa nhiều khâu hoạt động khách nhau. Đây là một công cụ mạnh, dùng cho nhiều mục đích khác nhau như cung cấp dịch vụ hỏi đáp, sản xuất phần mềm… Tuy nhiên, AI cũng có mặt trái khi rơi vào tay đối tượng xấu nhằm mục đích tạo ra những nội dung lừa đảo, những mã độc để tấn công người dùng. Theo đó, AI không phải là công cụ dành riêng cho hoạt động tạo ra sản phẩm hay tội phạm mà vấn đề quan trọng là “cách sử dụng” AI.
“Tôi cho rằng những chế tài, hành lanh pháp lý vẫn chưa thực sự đáp ứng ngay tốc độ phát triển của AI. Ta sẽ cần có thời gian để xây dựng, đưa ra những chính sách để giới hạn nguy cơ của AI khi được sử dụng vào mục đích xấu, ảnh hưởng đến quyền của con người cũng như vấn đề an ninh, trật tự, an toàn xã hội”, ông Vũ Ngọc Sơn nhận định.
TS Đặng Minh Tuấn,Viện trưởng Viện CMC ATI cho rằng: “Một mặt chúng ta vẫn phải tiếp tục nghiên cứu và phát triển những công nghệ mới, cập nhật, nghiên cứu những thủ đoạn sử dụng AI vào mục đích xấu. Một mặt chúng ta cũng phải đề cao tính trung thực trong khoa học, trong công việc. Theo đó, phải có những điều chỉnh, đầu tư về nội dung, chính sách đặc thù về công cụ này tại Việt Nam. Đặc biệt, chúng ta cũng có thể sử dụng công cụ AI để phát hiện những nội dung, mã độc. AI như một “con dao hai lưỡi”, tạo nên một quá trình tác động liên tục, xuyên suốt, liên tục cải tiến với mục đích cuối cùng là phục vụ lợi ích con người”.
Các chuyên gia cho rằng, yêu cầu đặt ra là cần kiểm soát để phát triển các sản phẩm công nghệ cao một cách có trách nhiệm, bởi việc không thể điều chỉnh, làm chủ được công nghệ sẽ kéo theo hệ quả khôn lường, gây tổn thất cho nền kinh tế và làm ảnh hưởng đến mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội.
Việc ban hành các quy định cụ thể, minh bạch sẽ không những giúp ngăn chặn và giảm thiểu rủi ro mà AI có thể gây ra, mà còn giúp Việt Namthu hút được sự quan tâm và đầu tư từ các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ thông tin và AI trong nước.
Bài cuối: Song hành phát triển và kiểm soát AI
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/ai-dang-dinh-hinh-tuong-lai-bai-2-nhung-thach-thuc-di-kem/20240614100957238