Sáng 3/1, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Tại đây, NSƯT Xuân Bắc phát biểu tham luận Chủ động chuyển mình, đáp ứng nhu cầu xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới.
Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh những thành tựu khoa học và sự hỗ trợ phát triển đáp ứng nhu cầu của đời sống thì cũng có những tác động tiêu cực đến văn hoá.
Khi mạng xã hội phát triển bùng nổ, thông tin được lan truyền theo cấp số mũ, tràn lan những thông tin xấu độc hại, thiếu chính xác. Một bộ phận khán giả sẵn sàng bộc lộ quan điểm, nhận định của mình một cách cảm tính, thiếu kiểm chứng, sẵn sàng phán xét, chụp mũ, khiến bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân bị bắt nạt, tấn công trên mạng xã hội.
“Đối với công tác tuyên truyền trong thời kì mới, chúng tôi thực sự thấy được giá trị của việc đi tắt đón đầu trong thông tin. Có những trang nặc danh, trang fake cố tình gây hiểu lầm tạo dự luận đánh tráo khái niệm nhắm định hướng và kích động những người nhẹ dạ hồ đồ thiếu hiểu biết.
Bên cạnh đó có rất nhiều cư dân mạng sẵn sàng bộc lộ quan điểm nhận thức của mình một cách đầy vội vàng, thiếu kiểm chứng sẵn sàng phán xét hay chụp mũ, biến bất kì ai cũng có thể trở thành nạn nhân bị bắt nạt, bị tấn công trên mạng xã hội“, NSƯT Xuân Bắc nói.
NSƯT Xuân Bắc nhấn mạnh: “Nếu chúng ta cứ để tình hình này diễn ra thì không khéo một trong những nét văn hóa con người Việt Nam trong tình hình mới là văn hóa phán xét, chụp mũ, a dua – quả thực quá nguy hiểm.
Chính vì vậy chúng tôi luôn chú ý đến công tác đính chính, chỉnh lý, giải thích kịp thời để tránh nghi ngờ lây lan. Đồng thời Nhà hát kịch Việt Nam thường dàn dựng những tiểu phẩm, những chương trình phối hợp với các đơn vị tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, kĩ năng của người dân về vấn đề này“.
Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam mong Bộ VHTTDL cùng bộ, ban, ngành liên quan có cách giải quyết quyết liệt, triệt để hơn để khắc phục tình trạng này.
Nghệ sĩ Xuân Bắc cho biết, là một đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ VHTTDL, các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam ý thức rất rõ vai trò và vị trí của mình trong việc phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hoá và việc bảo vệ biên cương văn hoá tư tưởng nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng văn hoá con người Việt Nam trong tình hình mới.
Nhà hát Kịch Việt Nam đã xác định chiến lược hành động trong từng giai đoạn cụ thể, vượt qua những khó khăn để xây dựng Nhà hát phát triển với những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, từ đó góp phần quan trọng trong việc xây dựng con người và nền văn hóa trong thời kỳ mới hiện nay.
Để hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu của mình, trong thời gian qua, Nhà hát Kịch Việt Nam chú trọng đặc biệt đến đẩy mạnh công tác quảng cáo, truyền thông, số hoá, đa dạng nội dung các vở diễn, mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế…
Ở công tác truyền thông, Nhà hát Kịch Việt Nam luôn đặc biệt chú trọng với những công việc cụ thể: xây dựng website, Fanpage, quảng bá vở diễn trên các nền tảng mạng xã hội: Facebook, Tiktok… “Chúng tôi xác định được rằng xây dựng thương hiệu Nhà hát Kịch Việt Nam trên mạng xã hội chính là việc Nhà hát tự định vị và quảng bá bản thân tới mọi người để thu lại tiếng nói và sức ảnh hưởng nhất định'”.
Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết công tác truyền thông không chỉ được tiến hành chung của bộ phận truyền thông, mà còn được tiến hành rộng rãi tới các thành viên của Nhà hát.
Các nghệ sĩ, viên chức của Nhà hát Kịch Việt Nam luôn coi việc quảng bá truyền thông các hoạt động của đơn vị mình là một việc làm quan trọng, từ đó xây dựng thành một thói quen làm việc và cũng là một kênh để có thêm một lượng khán giả nhất định tới Nhà hát Kịch Việt Nam xem kịch.
Bên cạnh đó, Nhà hát Kịch Việt Nam còn phối hợp với các đơn vị như Đài Truyền hình, các Hãng phim… tạo điều kiện cho các nghệ sĩ, diễn viên trẻ đi làm phim, từ đó góp phần tạo ra những gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu, đóng góp cho nền nghệ thuật của nước nhà.
Trong tham luận, NSƯT Xuân Bắc nhấn mạnh vai trò chức năng, nhiệm vụ của Nhà hát Kịch Việt Nam là dàn dựng và tổ chức biểu diễn các chương trình, tiết mục kịch nói tiêu biểu mang bản sắc văn hóa dân tộc và hiện đại theo định hướng nghệ thuật của Bộ VHTTDL. Các vở diễn không chỉ đa dạng về đề tài, phản ánh chân thực cuộc sống và xã hội mà còn có cách tiếp cận với khán giả hết sức gần gũi và hiện đại, dễ xem và dễ tiếp nhận.
NSƯT Xuân Bắc cho biết trong việc xây dựng văn hoá, con người Việt Nam, trong tình hình mới, những chiến sĩ văn hóa là những người tiên phong, chiến đấu không phải bằng súng mà bằng chính tác phẩm nghệ thuật mình sáng tạo ra, bằng những quan điểm nghệ thuật, bằng cách nhìn nhận xã hội.
“Chúng tôi biết rõ chúng tôi chiến đấu với ai? Chúng tôi chiến đấu với những thói hư tật xấu, những quan điểm lệch lạc, hủ tục, thoái hóa biến chất và những điều xấu đang tồn tại xung quanh chúng ta.
Chúng tôi đánh vào tư tưởng, suy nghĩ nhận thức của con người để đất nước chúng ta có nhiều công dân tốt, những người già mẫu mực, thanh niên nhiệt huyết, những người trung niên đầy khát khao và các em bé thơ ngây biết yêu thương sẻ chia.
Từ đó, tạo nên một sức mạnh về tinh thần đoàn kết dân tộc, quật cường và niềm tự hào về dân tộc đất nước Việt Nam. Cùng với đó, những người nghệ sĩ còn có sứ mệnh phải làm thế nào để cho các quốc gia khác trên thế giới ngưỡng mộ, khát khao với những giá trị văn hóa Việt Nam…”.
Với vai trò là những chiến sĩ trên mặt trận văn hoá tư tưởng, Nhà hát luôn chủ động chuyển mình để đáp ứng nhu cầu xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới từ năng lực chuyên môn, nhận thức xã hội, bản lĩnh chính trị, truyền thông phương pháp tiếp cận, không ngừng nắm bắt những thông tin và xu hướng nhằm góp phần xây dựng văn hoá, con người Việt Nam trong tình hình mới.
Lê Chi